19/01/2025 | 05:59 GMT+7, Hà Nội

VinCommerce dẫn đầu top 10 đơn vị bán lẻ uy tín nhất Việt Nam

Cập nhật lúc: 26/10/2018, 11:27

Ngày 25/10 vừa qua, Vietnam Report phối hợp cùng Báo Vietnamnet công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2018. VinCommerce đứng đầu danh sách đơn vị bán lẻ nhóm hàng tiêu dùng nhanh.

Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ năm 2018 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát người tiêu dùng về mức độ nhận biết và sự hài lòng với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty; Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2018 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2018.

Danh sách Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018 – Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Danh sách Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018 – Nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Kết quả khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như nghiên cứu về uy tín truyền thông của doanh nghiệp được tiến hành bởi Vietnam Report cho thấy một số xu hướng sau đây về ngành bán lẻ Việt Nam.

Thứ nhất, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng bùng nổ trong thời gian tới

Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất ở châu Á do tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng gia tăng, với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức rất cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017, và ước đạt khoảng 160 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với sự gia tăng về quy mô, độ phức tạp của thị trường và chất lượng của các nhà cung cấp trên thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới dưới sức ép của sự cạnh tranh gay gắt và sự hội nhập quốc tế ngày càng cao, đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.

Trong bối cảnh đó, hai doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là Vincommerce, với hệ thống  VinMart và VinMart+, và Thế giới di động, gắn liền với thương hiệu Điện máy xanh, là hai cái tên có điểm số uy tín hàng đầu. Khảo sát người tiêu dùng và chuyên gia cho thấy, Vinmart được đánh giá rất cao về sự đa dạng và chất lượng của sản phẩm, trong khi Thế giới di động lại mạnh về tài chính và thương hiệu.

Hình 1: Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018 – Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Hình 2: Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018 – Nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc…

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018, tháng 10/2018

Thứ hai, thương mại điện tử là xu thế tất yếu và đầy hứa hẹn, nhưng đang gặp rất nhiều rào cản trên thị trường bán lẻ Việt Nam

Cùng với sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và truyền thông xã hội, bán hàng trực tuyến đang trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam. Trên 20 triệu người Việt Nam đang thường xuyên mua sắm trực tuyến và 49% số người tiêu dùng có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hàng tháng, việc thanh toán điện tử cũng ngày càng trở nên dễ dàng và phổ biến hơn.

Hoạt động mua sắm qua kênh bán lẻ hiện đại đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt tại các thành phố lớn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tuy nhiên vẫn chưa lấn sân được kênh bán lẻ truyền thống do những thói quen và đặc tính riêng của người tiêu dùng Việt Nam.

Hình 3: Đóng góp giá trị của các kênh bán lẻ tại Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 (dự đoán)

Nguồn: EVBN, Speeda, Bộ Công Thương

Nguồn: EVBN, Speeda, Bộ Công Thương

Khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report cũng cho thấy xu hướng tương tự, tức là các kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo trong ngành bán lẻ Việt Nam, với doanh thu bán lẻ hiện nay chủ yếu đến từ các kênh truyền thống như Hệ thống siêu thị/ cửa hàng chính hãng (chiếm tới 92% doanh thu), trong khi bán hàng trực tuyến qua Internet chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn (trung bình khoảng 6% doanh thu).

Hình 4: Cơ cấu doanh thu (trung bình) qua các kênh bán hàng của các công ty bán lẻ tại Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, tháng 9/2018

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, tháng 9/2018

Đánh giá về những vấn đề khiến việc mua sắm trực tuyến còn hạn chế, đa phần người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ e ngại về: (i) chất lượng, (ii) nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và (iii) dịch vụ đổi/ trả hàng, do đó thay vì lựa chọn mua sắm trực tuyến, đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn lựa chọn phương án "tốn thời gian và công sức hơn", đó là mua sắm trực tiếp tại cửa hàng chính hãng/ siêu thị. Tuy nhiên, đáng chú ý, việc thanh toán điện tử đã không còn là trở ngại lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Hình 5: Những vấn đề khiến người tiêu dùng e ngại khi mua sắm trực tuyến

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, tháng 9/2018

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, tháng 9/2018

Trong bối cảnh đó, việc sớm dựa hoàn toàn vào thương mại điện tử là một sự lựa chọn khá rủi ro của các nhà bán lẻ trên thị trường Việt Nam hiện nay. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tích hợp và ứng dụng mô hình kinh doanh đa kênh - Omni Channel, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự quản lý tốt hơn từ nhân sự đến hàng hóa.

Thứ ba, thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ của mô hình kinh doanh siêu thị mini/ cửa hàng tiện ích tại Việt Nam

Theo khảo sát của Vietnam Report, số đông người tiêu dùng Việt Nam thường lựa chọn mua sắm tại các địa điểm (không tính các khu chợ truyền thống) gần nhà hay nơi làm việc, tiện cho việc đi lại. Đây chính là ưu thế của các mô hình siêu thị mini/ cửa hàng tiện lợi.

Hình 6: Các yếu tố quyết định địa điểm mua sắm của người tiêu dùng (không tính các khu chợ truyền thống)

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, tháng 9/2018

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, tháng 9/2018

Nhận diện được xu thế này, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân đầu tư phát triển mô hình siêu thị mini/ cửa hàng tiện lợi. Số lượng các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tăng rất nhanh, làm nóng hơn bầu không khí như trên "chiến trường" trong ngành bán lẻ Việt Nam.  

Tuy nhiên mô hình nào cũng có điểm hạn chế. Hiện nay, hơn 90% hộ gia đình Việt Nam có thói quen sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chính, do đó rất khó để thuyết phục họ dừng lại và tìm kiếm một chỗ đỗ xe để vào siêu thị mini/ cửa hàng tiện lợi mua sắm, thay vì chỉ cần tạm đỗ ở bất cứ khu chợ truyền thống nào để mua mọi thứ họ cần. Và giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Do vậy, hiệu quả kinh doanh mô hình siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi vẫn đang là một bài toán khó cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Thứ tư, xu hướng phát triển của các mặt hàng cao cấp, đặc biệt là các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, các loại thực phẩm an toàn và ngành đồ uống

Người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng gia tăng đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao, đòi hỏi các mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn ở mức cao. Về thực phẩm, họ mong muốn có nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên và hữu cơ hơn. Các mặt hàng liên quan đến chăm sóc sức khỏe cũng có mức tăng trưởng cao.

Các chuyên gia nhận định, ngành thực phẩm - đồ uống và bán lẻ có mối quan hệ cộng sinh, giúp hoàn thiện chuỗi phân phối đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Thấu hiểu tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng, 8/10 doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống khi được hỏi đã lựa chọn đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư năm 2019. Đây là những tín hiệu tốt của ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ năm, công tác truyền thông của các thương hiệu bán lẻ Việt Nam chưa đủ tốt

Trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt, thống kê dữ liệu mã hóa thông tin trên truyền thông cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ hiện vẫn còn rất hạn chế xuất hiện trên truyền thông (chỉ 25,7% số doanh nghiệp được nghiên cứu có sự hiện diện tối thiểu 1 lần/ 1 tuần), với độ bao phủ thông tin khá khiêm tốn (22,8% số doanh nghiệp đạt 12/24 nhóm chủ đề).

Theo thông lệ, để đảm bảo thông tin chính xác và tăng độ tin cậy với các đối tượng tiếp nhận, ít nhất 30% lượng thông tin về doanh nghiệp trên truyền thông cần được dẫn nguồn từ doanh nghiệp hoặc các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp (thành viên của Ban quản trị/ Ban lãnh đạo). Tính trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018, chỉ 1/4 số doanh nghiệp được nghiên cứu đạt được tỷ lệ này. Đây chính là điểm hạn chế cần được doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam lưu tâm và khắc phục trong thời gian tới đây.

Hình 7: Các doanh nghiệp đạt tỷ lệ trên 30% thông tin xuất phát nguồn từ doanh nghiệp giai đoạn từ tháng 9/2017 - 9/2018

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp bán lẻ từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp bán lẻ từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc quyết định mua hàng thông qua các "review" hay "feedback" đã trở thành thói quen của người tiêu dùng mỗi khi lựa chọn nơi mua sắm, do đó doanh nghiệp bán lẻ cũng cần phải cởi mở hơn với truyền thông, nhưng cũng phải đảm bảo thông tin "trong tầm kiểm soát" để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực khi xảy ra những sự cố không mong muốn.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố từ năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bảo Hiểm, Dược, Du lịch, Doanh nghiệp Niêm Yết...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty bán lẻ dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty bán lẻ tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành bán lẻ được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018. Tổng số có 677 bài báo, với tương ứng 1.293 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.