19/01/2025 | 02:27 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Cập nhật lúc: 16/11/2021, 06:18

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở, Bộ Xây dựng khẳng định: Mặc dù ngụp lặn trong 2 năm qua, thế nhưng, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Việt Nam vẫn đang “khát” bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở, Bộ Xây dựng khẳng định: Mặc dù ngụp lặn trong 2 năm qua, thế nhưng, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Phân tích rõ hơn về nhận định này, ông Hưng nói: Theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu vào năm 2020, ngành du lịch Việt Nam sẽ thu hút khoảng 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 - 83 triệu lượt khách nội địa. Từ đó, đóng góp 10% GDP, tương đương 35 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm.

Nhưng tính tới năm 2016, Việt Nam mới chỉ có khoảng 420.000 buồng phòng, phục vụ lưu trú du lịch. Như vậy, nếu duy trì số buồng phòng như vậy, rất khó để ngành du lịch Việt Nam đạt được chỉ tiêu đã được Bộ Chính trị đề ra.

Vì vậy, để đảm bảo đủ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, Quốc hội, Chính phủ đã có mục tiêu tới năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm 330.00 buồng phòng, và tới năm 2030, số lượng sẽ tăng lên gấp đôi.

“Điều này cho thấy, cơ hội cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn rất rộng mở”, ông Hà Quang Hưng cho biết.

Trích dẫn báo cáo thị trường bất động sản nhà ở mới được Bộ Xây dựng công bố gần đây, ông Hưng nhận định: Trong thời gian qua, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xem là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ yếu tố dịch bệnh. Hầu hết các hoạt động tê liệt vì giãn cách xã hội. Nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu. 

Tuy nhiên, các dự án phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan, đặc biệt là các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư có uy tín cao trên thị trường. 

“Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển kinh tế du lịch ở Việt Nam sẽ phát triển trở lại và hoạt động đi lại, du lịch được mở cửa lại trong thời gian tới”, ông Hưng cho biết.

Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không dành cho “lướt sóng”

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia của DKRA Việt Nam đánh giá, mặc dù một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã suy yếu, thậm chí là đóng băng.

Thế nhưng, trên thực tế, trong quý III vừa qua, một số dự án vẫn có giao dịch, và xu hướng này có thể tiếp tục trong quý IV. Trong đó, các dự án nằm ở các địa phương có thế mạnh về du lịch, như Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Nam, Đà Nẵng hay Quảng Ninh là tâm điểm của phân khúc này.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong trung và dài hạn, tuy nhiên phân khúc này không dành cho các nhà đầu tư thích “lướt sóng” hay cuộc chơi ngắn hạn.

Chia sẻ rõ hơn về điều này, ông Thanh nói: Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, khiến thị trường gần như đóng băng. Thế nhưng, đại dịch lại mở ra một cơ hội, một xu hướng phát triển mới cho cả nhà đầu tư và chủ đầu tư dự án, đó chính là dòng sản phẩm căn hộ du lịch tại chỗ.

Theo ông Thanh, từ trước tới nay, nhiều người có quan điểm rằng, bất động sản du lịch, chỉ phục vụ cho khách du lịch. Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn chính xác. Trong 2 năm qua, đại dịch đã sinh ra một khái niệm mới, là làm việc tại nhà, làm việc online. 

Dù vậy, đa phần người làm việc online đều lựa chọn làm việc tại các thành phố chật chội và bụi bặm. Do đó, một số chủ đầu tư đã đưa ra dòng sản phẩm căn hộ du lịch, kết hợp với làm việc tại nhà. Khách hàng vừa có thể du lịch tại chỗ, vừa nghỉ ngơi, thư giãn vừa có thể làm việc tại nhà.

“Mô hình này trên thế giới không lạ, nhưng mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam. Dù vậy, tôi cho rằng mô hình này rất có tiềm năng, nhưng cần có thêm thời gian nữa để mọi người biết tới”, ông Thanh nhận xét.

Nguồn: https://congluan.vn/viet-nam-van-con-nhieu-du-dia-tang-truong-bat-dong-san-du-lich-nghi-duong-post166937.html