19/01/2025 | 21:28 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam giảm 69% lượng thép phế liệu nhập khẩu

Cập nhật lúc: 17/08/2022, 21:45

Nhập khẩu thép phế liệu của Việt Nam đã giảm mạnh trong tháng 7/2022 do nhu cầu thép trong nước bị kìm hãm bởi thị trường bất động sản suy yếu và mùa cao điểm xây dựng đã qua...

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022, sản lượng nhập khẩu phế liệu của Việt Nam đạt khoảng 217.000 tấn, giảm 61,4% so với tháng trước và 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 7 tháng đầu năm, các nhà máy sản xuất thép trong nước đã nhập khẩu khoảng 2,8 triệu tấn phế liệu, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia cung cấp thép phế liệu lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ 2 là Mỹ. Cụ thể, lượng phế liệu nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 770.000 tấn và từ Mỹ là 619.000 tấn.

Được biết, sự sụt giảm về sản lượng nhập khẩu phế liệu dùng trong sản xuất trong giai đoạn này là do nhu cầu thép thành phẩm của thị trường trong nước và phôi thép xuất khẩu suy yếu, đã kìm hãm hoạt động nhập khẩu.
Được biết, sự sụt giảm về sản lượng nhập khẩu phế liệu dùng trong sản xuất trong giai đoạn này là do nhu cầu thép thành phẩm của thị trường trong nước và phôi thép xuất khẩu suy yếu, đã kìm hãm hoạt động nhập khẩu.

Mặc khác, các nhà máy thép của Việt Nam tập trung vào mua sắm trong nước vì giá nhập khẩu tiếp tục giảm. Theo đó, khối lượng nhập khẩu phế liệu của Việt Nam trong tháng 8 dự kiến sẽ giảm hơn nữa.

Hiện nay, do nhu cầu trong nước suy yếu cùng với sự khó khăn chung của ngành thép, giá nhập khẩu thép phế liệu liên tiếp lao dốc và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá các nguyên liệu đầu vào trong tháng 7 của ngành luyện thép tiếp tục giảm mạnh. Hiện giá thép phế liệu loại HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á được điều chỉnh giảm 100 USD/tấn, ở mức 395 USD/tấn CFR Đông Á ngày 11/7.

Trên thực tế, các nhà máy sản xuất thép trong nước còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… Do đó, khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.

Đối với ngành thép, việc sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường vì sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo để sản xuất ra sản phẩm với năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/5 so với sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng sắt.

Tại Việt Nam, do nguồn cung cấp sắt thép vụn ở trong nước chỉ đạt gần 40% nhu cầu nên các doanh nghiệp phải sử dụng 60% nguyên liệu sắt thép phế liệu nhập khẩu để đáp ứng đủ cho sản xuất.

Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường. Theo đó, khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Nguồn: https://congly.vn/viet-nam-giam-69-luong-thep-phe-lieu-nhap-khau-211976.html