22/11/2024 | 00:41 GMT+7, Hà Nội

\'Việt Nam đang vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu\'

Cập nhật lúc: 03/04/2021, 06:27

Hãng phân tích công nghiệp toàn cầu Counterpoint có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) vừa có bài viết cho rằng Việt Nam đang thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài viết đăng trên trang counterpointresearch.com nhấn mạnh, trong thời đại chủ nghĩa bảo hộ mà nhiều nền kinh tế bị chao đảo bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất xuất khẩu.

Từ năm 2020-2026, thị trường dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm kép là 5%. Với lĩnh vực chế tạo tăng trưởng theo cấp số nhân cùng với nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử và ô tô, doanh nghiệp EMS dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên tầm cao mới. Nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà cung cấp EMS toàn cầu như Samsung, LG và Foxconn (nhà sản xuất theo hợp đồng cho Apple) đang đầu tư vào sản xuất bảng mạch in, mô-đun máy ảnh, máy in, máy chủ, điện thoại, thiết bị mạng, tivi và các thiết bị điện tử khác trong nước.

Chuỗi cung ứng

Năm 2020 với gần 70% thị phần điện thoại tại Việt Nam, Samsung là một trong những công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Việt Nam có một trong những cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung bên ngoài Hàn Quốc. Đến năm 2022, Samsung dự kiến sẽ hoàn thành trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam.

Bài viết cho rằng những yếu tố tích cực đưa Việt Nam trở thành điểm đến thuận lợi cho các nhà sản xuất, gồm việc không ngừng cải thiện chính sách đầu tư và kinh doanh, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tăng vốn FDI và vị trí địa lý thuận lợi.

Đến năm 2027, Pegatron sẽ đầu tư gần 1 tỉ USD vào nhà máy Việt Nam theo 3 giai đoạn, hướng đến các ngành máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng.

Foxconn cũng đang chuyển một số dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam. Google cũng đang chuyển sản xuất thương hiệu điện thoại thông minh Pixel cho thị trường Mỹ sang Việt Nam.

Ngoài ra, theo bài viết, Việt Nam được biết đến với các chiến lược toàn diện, kéo dài từ 5-10 năm như “Sản xuất tại Việt Nam 2025: Chiến lược và chính sách công nghiệp năm 2025” và Tầm nhìn năm 2035.

Cùng ngày, trang The Diplomat có bài viết cho rằng, sau câu chuyện chống dịch Covid-19 thành công, Việt Nam có vị thế tốt để đóng vai trò năng động hơn trên trường quốc tế và quản trị toàn cầu là “chìa khóa” cho mục tiêu này. 

Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc tầm trung mới nổi và ngày càng có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế, Việt Nam có khả năng tham gia xây dựng lại hệ thống quản trị toàn cầu đã bị tê liệt do căng thẳng giữa các siêu cường ngày càng gia tăng và sự bùng nổ của đại dịch Covid-19.

Nhờ phản ứng ấn tượng với đại dịch, Việt Nam đứng thứ hai trong số 98 quốc gia về hiệu quả của các biện pháp chống Covid-19. Quan trọng hơn, Việt Nam cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với các nước láng giềng và được dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Ở mức độ này, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về quản trị. Những thành tựu trên tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào công cuộc quản lý thế giới sau đại dịch. Nếu biết nắm bắt cơ hội này, Việt Nam có thể vừa nâng cao vị thế quốc tế, vừa đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề thế giới.

Việt Nam có thể thu được lợi ích kinh tế từ việc tham gia hiệu quả hơn vào quản trị toàn cầu. Việc Việt Nam sở hữu ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm gần đây là minh chứng cho mong muốn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Để đạt được đầy đủ lợi ích từ các FTA này, điều quan trọng là Việt Nam phải chủ động hơn trong các vấn đề quản trị, cả trong nước và toàn cầu.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-dang-vuon-len-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau-54177.html