18/01/2025 | 17:06 GMT+7, Hà Nội

Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury làm đẹp bằng phương pháp PRP sai phép?

Cập nhật lúc: 07/07/2016, 21:16

Không hề có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế, thế nhưng phương pháp PRP (Huyết tương giàu tiểu cầu) vẫn được Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury rầm rộ quảng cáo và thực hiện, bất chấp những rủi ro cho khách hàng và quy định của pháp luật!

Phương pháp làm đẹp… bất chấp rủi ro?

Một ngày cuối tuần, chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gọi điện đến số hotline của Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury có tru trở tại địa chỉ số 135 – 137 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội với mong muốn được tư vấn làm đẹp da mặt bằng phương pháp PRP – huyết tương giàu tiểu cầu.

Đây là phương pháp làm đẹp mới nổi lên trong thời gian gần đây, được quảng cáo như một bước đột phá trong lĩnh vực thẩm mỹ, là “phương thuốc thần kỳ cho làn da lão hoá”.

Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury quảng cáo PRP như một liệu pháp thần kỳ, bất chấp nhiều điều về chống chỉ định đối với phương pháp này.

Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury quảng cáo PRP như một liệu pháp thần kỳ, bất chấp nhiều điều về chống chỉ định đối với phương pháp này.

Theo chị Phương cho biết, trong cuộc điện thoại, chị đã được một chuyên viên thẩm mỹ tên Thắm của Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury tư vấn: Phương pháp làm đẹp bằng PRP có ưu điểm vượt trội so với phương pháp chăm sóc da thông thường, đặc biệt là các trường hợp da lão hóa, chảy sệ, sẹo lõm, nám, tàn nhang… giúp tái tạo những làn da lão hóa trở nên căng mịn, trắng sáng hơn rất nhiều lần.

Với phương pháp này, đầu tiên, sẽ rút khoảng 20cc máu của khách hàng, sau đó kiểm tra xem máu đó có tốt hay không, rồi xử lý qua máy ly tâm để lấy được huyết tương và tế bào gốc. Thành phần huyết tương có tác dụng làm trẻ hoá da, tái tạo làn da.

Cũng theo lời chị Thắm, giá dịch vụ làm PRP với phương pháp tiêm dưới da là 12.000.000 đồng/1 lần. Nếu mua 6 lần sẽ giảm xuống còn 9.000.000 đồng/1 lần.

“Thủ thuật được làm trực tiếp tại Viện thẩm mỹ Dencos Luxury- số 135 – 137 Bùi Thị Xuân, do bác sỹ người Việt Nam thăm khám và thực hiện”- vị này tư vấn!

Về phương pháp được cho là “liệu pháp thần kỳ này”, theo tìm hiểu của PV, thực chất, PRP là cách gọi tắt của cụm từ tiếng Anh “Platelet Rich Plasma”, có nghĩa là “Huyết tương giàu tiểu cầu”.

Phương pháp này thực hiện bằng cách lấy máu của bản thân người nhận trị liệu, sau đó tách huyết tương bằng phương pháp ly tâm với tốc độ quay 3.500 vòng/phút (lúc này thành phần tiểu cầu trong huyết tương sẽ gấp từ 3 đến 7 lần so với bình thường), đưa ngược trở lại vào từng vị trí cần thiết trên cơ thể người nhận giúp hồi phục nhanh các mô bệnh, lão hóa, tăng sinh các mô khỏe mạnh.

Như lời quảng cáo trên website Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury, phương pháp PRP có ưu điểm vô cùng nổi bật là điều trị da an toàn, đơn giản, không đau đơn, không có phản ứng phụ với cơ thể… Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy.

Theo thông tin từ bài viết trên báo CAND lấy kết quả một công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Lyndsey- Viện Nghiên cứu tế bào gốc, Đại học John Hopkins cho rằng: "Chúng tôi có cơ sở để tin rằng ứng dụng PRP vào việc làm đẹp có thể có những tác dụng ngược.

Một phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn khởi phát chẳng hạn - nhưng họ chưa đi tầm soát và chưa phát hiện ra thì việc tiêm PRP có thể dẫn đến sự phát triển tế bào ung thư bởi lẽ huyết tương giàu tiểu cầu có đặc tính là làm gia tăng tế bào mới ở những vùng được tiêm vào".

Bên cạnh đó, phương pháp PRP bị chống chỉ định với phụ nữ mang thai, bệnh nhân nhiễm HIV, người đang mắc các bệnh về tiểu cầu, bệnh di truyền thiếu máu, các bệnh về rối loạn đông máu hoặc đang uống thuốc chống đông máu, dị ứng da,…

Ngoài ra, tạp chí Cosmetic Surgery - một trong những tạp chí chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ cũng cho biết, việc tiêm PRP để làm đẹp có thể gây ra những hệ quả như đau và sưng ở vùng tiêm, nhiễm trùng nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối; có thể sốc phản vệ mặc dù PRP được lấy từ chính bản thân người ấy.

Nếu quá trình trích hút huyết tương giàu tiểu cầu mà hút lẫn hồng cầu thì những hồng cầu này dễ kết lại thành cục máu đông, hoặc trong quá trình tiêm, kim tiêm làm tổn thương mạch máu lớn dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó sẽ gây nhồi máu não - là tai biến rất nặng, có thể tử vong hoặc di chứng liệt suốt đời,…

Thực hiện phương pháp PRP là trái phép?

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay tại Việt Nam, phương pháp PRP – huyết tương giàu tiểu cầu không có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế (ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế). Điều đó có nghĩa, các cơ sở y tế không được cấp phép thực hiện phương pháp này và việc Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury thực hiện PRP cho các khách hàng là trái phép?

Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury làm đẹp bằng phương pháp PRP sai phép? - Ảnh 2

Tờ rơi giới thiệu về công nghệ làm đẹp da Vampire Facelift - Liệu pháp Ma cà rồng – (Vampire Facelift là sự kết hợp của PRP và H.A – Chất độn sinh học Hyaluronie Acid).

Tờ rơi giới thiệu về công nghệ làm đẹp da Vampire Facelift - Liệu pháp Ma cà rồng – (Vampire Facelift là sự kết hợp của PRP và H.A – Chất độn sinh học Hyaluronie Acid).

Trước vấn đề này, PV đã trực tiếp đến Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury tại địa chỉ 135 – 137, Bùi Thị Xuân, Hà Nội để xác minh thông tin, làm rõ vụ việc.

Tại buổi làm việc với PV, chị Ninh – tự xưng là người quản lý khu vực phía Bắc của Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury của cho biết: Hiện Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury tại Hà Nội chỉ là Tung tâm chăm sóc da, tại đây hiện không có bác sỹ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và cũng không thực hiện phương pháp PRP (phương pháp huyết tương giầu tiểu cầu).

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trên website và các nhân viên tư vấn của Viện thẩm mỹ này lại tư vấn cho khách hàng là có thực hiện phương pháp này tại cơ sở 135 – 137, Bùi Thị Xuân. Không những vậy, ngay tại buổi gặp PV, trên bàn làm việc của viện thẩm mỹ này cũng có hàng loạt các tờ rơi giới thiệu về công nghệ làm đẹp da Vampire Facelift - Liệu pháp Ma cà rồng.

Theo giới thiệu trên những tờ rơi này, Vampire Facelift là sự kết hợp của PRP (Huyết tương giàu tiểu cầu) và H.A – Chất độn sinh học Hyaluronie Acid, giúp mang lại những hiệu quả vượt trội trong việc chăm sóc da mặt, làm xoá mờ các nếp nhăn, nâng cơ chảy xệ, loại bỏ các vết nám, tàn nhang… giúp làn da lấy lại vẻ căng sáng, hồng hảo, tươi trẻ…

Như vậy rõ ràng, câu trả lời của của Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury về việc không sử dụng phương pháp PRP là chưa đủ sức thuyết phục dư luận?!

Trong khi đó, thời gian gần đây liên tục có những biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động thẩm mỹ. Trong đó, phần lớn là do các cơ sở thẩm mỹ thiếu uy tín, hoạt động quá phạm vi cho phép... Vì vậy, những người dân có nhu cầu thẩm mỹ hãy nghiên cứu thật kỹ lưỡng để chọn cho mình một địa chỉ thực sự uy tín nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc sau khi có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Viện thẩm mỹ quốc tế Dencos Luxury./.