18/01/2025 | 12:22 GMT+7, Hà Nội

Thẩm mỹ viện Xuân Hương làm đẹp bằng…máu: Phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro

Cập nhật lúc: 26/03/2016, 15:25

Thẩm mỹ viện Xuân Hương đang “gieo” lầm tưởng cho rất nhiều người mong muốn làm đẹp, bất chấp rủi ro với phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu?

Một ngày cuối tuần, chị Giang (Đống Đa, Hà Nội) tìm đến Thẩm mỹ viện Xuân Hương tại số 22 Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội với mong muốn được tư vấn làm đẹp da mặt bằng phương pháp PRP – huyết tương giàu tiểu cầu.

Đây là phương pháp làm đẹp mới nổi lên tại một số thẩm mỹ viện tại Hà Nội, được quảng cáo như một bước đột phá trong lĩnh vực thẩm mỹ nhờ “tính hiệu quả cao, an toàn tuyệt đối nó mang lại”!?

Tại tầng 6 của thẩm mỹ viện danh tiếng này, chị Giang được một bác sỹ nam còn khá trẻ tư vấn: “Phương pháp đó gọi là huyết tương giàu tiểu cầu. Tức là sẽ lấy máu của chính mình, sau đó xử lý để chắt lọc ra huyết tương với lượng tiểu cầu cao.

Tác dụng của loại huyết tương này là tái tạo và phát triển, đào thải những cái cũ, hình thành những cái mới. Sau khi tiêm rải rác vào vùng mặt, nó sẽ tái tạo lại da cho mình”.

Thẩm mỹ viện Xuân Hương quảng cáo PRP như một phương pháp làm đẹp an toàn tuyệt đối, bất chấp nhiều chống chỉ định cho phương pháp này
Thẩm mỹ viện Xuân Hương quảng cáo PRP như một phương pháp làm đẹp an toàn tuyệt đối, bất chấp nhiều chống chỉ định cho phương pháp này

Thẩm mỹ viện Xuân Hương quảng cáo PRP như một phương pháp làm đẹp an toàn tuyệt đối, bất chấp nhiều chống chỉ định cho phương pháp này

Theo lời vị bác sỹ này, sau khi chắt lọc được huyết tương giàu tiểu cầu, sẽ có 2 cách thực hiện: Cách thứ nhất là tiêm trực tiếp dưới da, hình ô cờ, cách nhau 1cm. Cách thứ hai là lăn kim, tạo những đường vào, sau đó xoa huyết tương của mình lên bề mặt da để da hấp thu.

“Quá trình thực hiện khoảng 2 tiếng. Xử lý máu mất khoảng 30 phút. Tôi là người thực hiện luôn. Phải trải qua tập huấn và có chứng chỉ thì mới làm được. Chi phí là 20 triệu cho một lần, trên một vùng da. Tuỳ từng loại da thì có những liệu trình khác nhau.

Với làn da ít tổn thương, chủ yếu vì mục đích làm đẹp thì lộ trình khoảng 3-6 tháng/lần. Còn với những làn da tổn thương, rỗ, thâm thì 3-4 tuần phải làm một lần. Thậm chí khi hút xong ta có thể tiêm lại huyết tương trực tiếp vào máu để huyết tương đi khắp cơ thể. Chỗ nào cần tái tạo thì nó sẽ tập trung vào đó để tái tạo”, bác sỹ này tư vấn.

Theo tìm hiểu, thành phần máu người bao gồm huyết tương và các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. PRP là cách gọi tắt của cụm từ tiếng Anh “Platelet Rich Plasma”, có nghĩa là “Huyết tương giàu tiểu cầu”.

Liệu pháp này thực hiện bằng cách lấy máu của bản thân người nhận trị liệu, sau đó tách huyết tương bằng phương pháp ly tâm với tốc độ quay 3.500 vòng/phút (lúc này thành phần tiểu cầu trong huyết tương sẽ gấp từ 3 đến 7 lần so với bình thường), đưa ngược trở lại vào từng vị trí cần thiết trên cơ thể người nhận giúp hồi phục nhanh các mô bệnh, lão hóa, tăng sinh các mô khỏe mạnh.

Điều kỳ lạ ở đây, theo lời quảng cáo trên website của thẩm mỹ viện này, phương pháp làm đẹp bằng PRP là “an toàn tuyệt đối”: “PRP là công nghệ sinh học không phẫu thuật, sử dụng tiểu cầu được trích từ máu của chính khách hàng nên không lo lây nhiễm, dị ứng đồng thời cũng không có tác dụng phụ, không đau, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phái đẹp.

Đồng thời, khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ này của thẩm mỹ viện Xuân Hương tại bệnh viện – Nơi có đầy đủ trang thiết bị hiện đại đầu ngành”. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ một nội dung chống chỉ định hay lưu ý nào về các tác dụng phụ của PRP trên website.

Quy trình triết xuất huyết tương từ máu người nhận trị liệu. Ảnh minh họa

Quy trình triết xuất huyết tương từ máu người nhận trị liệu. Ảnh minh họa

Theo lời chị Giang, trong quá trình tư vấn về PRP, bác sỹ của thẩm mỹ viện Xuân Hương cũng không đề cập gì về các lưu ý, điều kiện sử dụnghay các tác dụng phụ (nếu có) của phương pháp này. Như vậy, có thật PRP là “an toàn tuyệt đối” như quảng cáo?

Tuy nhiên, theo thông tin từ một bài viết nghiên cứu trên báo CAND, Tiến sĩ Lyndsey- Viện Nghiên cứu tế bào gốc, Đại học John Hopkinscho rằng: "Chúng tôi có cơ sở để tin rằng ứng dụng PRP vào việc làm đẹp có thể có những tác dụng ngược. Một phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn khởi phát chẳng hạn - nhưng họ chưa đi tầm soát và chưa phát hiện ra thì việc tiêm PRP có thể dẫn đến sự phát triển tế bào ung thư bởi lẽ huyết tương giàu tiểu cầu có đặc tính là làm gia tăng tế bào mới ở những vùng được tiêm vào".

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của PV báo Gia đình Việt Nam,phương pháp PRP bị chống chỉ định với phụ nữ mang thai, bệnh nhân nhiễm HIV, người đang mắc các bệnh về tiểu cầu, bệnh di truyền thiếu máu, các bệnh về rối loạn đông máu hoặc đang uống thuốc chống đông máu, dị ứng da,…

Ngoài ra, theo tạp chí Cosmetic Surgery – một trong những tạp chí chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ, thì việc tiêm PRP để làm đẹp có thể gây ra những hệ quả như đau và sưng ở vùng tiêm, nhiễm trùng nếu dụng cụ không được vô khuẩn tuyệt đối; có thể sốc phản vệmặc dù PRP được lấy từ chính bản thân người ấy. Nếu quá trình trích hút huyết tương giàu tiểu cầu mà hút lẫn hồng cầu thì những hồng cầu này dễ kết lại thành cục máu đông, hoặc trong quá trình tiêm, kim tiêm làm tổn thương mạch máu lớn dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển lên não, nó sẽ gây nhồi máu não - là tai biến rất nặng, có thể tử vong hoặc di chứng liệt suốt đời,…

Hiện nay, tại Việt Nam, phương pháp PRP – huyết tương giàu tiểu cầu không có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế (ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế). Điều đó có nghĩa các cơ sở y tế không được cấp phép thực hiện phương pháp này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc./.