18/04/2024 | 12:32 GMT+7, Hà Nội

Vì sao các chuyên gia kỳ vọng vào sự tích cực của thị trường bất động sản 2021?

Cập nhật lúc: 04/05/2021, 16:21

Bức tranh kinh tế vĩ mô đang hồi phục cùng kế hoạch triển khai vaccine… là những nhân tố khiến nhiều chuyên gia nhận định thị trường bất động sản 2021 là một kịch bản đầy tươi sáng.

Trải qua một năm đầy biến động của Covid-19, thị trường bất động sản vẫn được các chuyên gia nhận định sẽ có sự chuyển động theo chiều hướng lạc quan. Dự báo này dựa trên bối cảnh tích cực của nền kinh tế Việt Nam và quỹ đạo chuyển động của lĩnh vực bất động sản.

Phát biểu tại toạ đàm “Triển vọng thị trường bất động sản 2021”, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: "Nếu tham chiếu thang đo sức khỏe thì thị trường bất động sản hiện ở mức A đến A+”. Vị chuyên gia này cho biết thêm: “Rõ ràng, với tình hình thực tế, Việt Nam vẫn là quốc gia hết sức thuận lợi trong mọi mặt. Việc thực hiện chính sách thay đổi toàn diện rất tốt cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Trong đó, bất động sản rất thuận lợi bởi 2021 là năm đầu của kế hoạch. Việc phê duyệt hàng loạt dự án hạ tầng có tính chất thúc đẩy vô cùng lớn đối với bất động sản”.

Nhận định này được đưa ra dựa trên các yếu tố tích cực ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Theo ông Chung, sau một năm gánh chịu thiệt hại của cơn bão Covid-19, từ năm nay, thế giới bước từ giai đoạn phòng thủ sang cầm cự và tấn công trực diện vào cơn bão này. Kế hoạch triển khai vaccine đang được đẩy mạnh trên toàn thế giới; các gói cứu trợ được sự đồng thuận cao tại các quốc gia; quan hệ giữa các cường quốc có dấu hiệu cải thiện, dòng dịch chuyển vốn đầu tư trên toàn cầu đang diễn biến theo hướng có lợi cho Việt Nam.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều yếu tố tích cực xuất hiện nnhờ chính sách, phản ứng và liệu pháp đúng quỹ đạo. Cụ thể, quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu "kép" hứa hẹn tiếp tục gặt hái thành tựu trong năm nay, sau một năm trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN ghi nhận tăng trưởng GDP dương. Gói tín dụng giá rẻ 157.000 tỷ đồng dự kiến được đẩy nhanh tiến trình giải ngân trong năm nay để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công trong một năm qua và hai tháng đầu năm 2021 được đánh giá tích cực. Nhiều dự án quy mô lớn đã khởi công trên cơ sở quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai vốn. PGS. TS. Trần Kim Chung đánh giá, đây là cú hích rất tốt cho phát triển kinh tế và đặc biệt là thị trường bất động sản.

thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản 2021 được kỳ vọng có nhiều tín hiệu tích cực. 

Đồng quan điểm đó, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt. Sự tăng trưởng này ngoài được hỗ trợ trực tiếp từ nguồn đầu tư công và hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì, còn được góp phần quan trọng từ nguồn vốn FDI. Năm 2020, FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam với con số gần 29 tỷ USD; riêng ngành bất động sản chiếm khoảng 3,8 tỷ USD tương đương 14,8% - tỷ trọng này xét cả về tuyệt đối và tương đối đều tăng so với 2020.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chỉ ra 4 yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam. Theo ông Đức, yếu tố hỗ trợ mạnh nhất là thu nhập của người dân tăng. Từ năm 2021 trở đi, kỳ vọng GDP tăng ngược trở lại trên 6,5%, mức nhanh nhất thế giới. GDP bình quân đầu người đang ở mức 2.800 - 2.900 USD/năm trong khi ở các quốc gia châu Á, con số này trên 2.500 USD/năm là thời điểm bùng nổ bất động sản.

Cũng theo ông Đức, một yếu tổ bổ trợ khác cho thị trường bất động sản Việt Nam chính là lãi suất thấp. Hiện tại, mức lãi suất của các ngân hàng dao động ở mức dưới 5%/năm, được hỗ trợ bởi kiểm soát lạm phát tốt, thanh khoản ngân hàng dồi dào. Điều đó khiến người dân thấy lãi suất không còn hấp dẫn, dịch chuyển khỏi ngân hàng, đi tìm nguồn đầu tư tốt hơn như chứng khoán, bất động sản.

Đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tương đối ổn, cao nhất khu vực, tạo nhu cầu lớn cho bất động sản khu công nghiệp.

“Đây là yếu tố trong ngắn hạn tác động mạnh mẽ nhất với Việt Nam, đẩy mạnh nền tảng hạ tầng, sân bay, cầu cảng, đường vành đai…, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đầu tư của Chính phủ vào hạ tầng trên 20 tỷ USD mỗi năm, giải ngân cũng cao, tỷ lệ đầu tư hạ tầng/GDP của Việt Nam hiện tại vượt Trung Quốc”, ông Đức nhận định.

Một xung lực khác mà ông Nguyễn Anh Đức chỉ ra đến từ sự giải phóng tiềm năng bất động sản ở nhiều khu vực, mảng thị trường khác nhau. “Xưa, nhắc đến bất động sản thì chỉ nói Hà Nội, TP.HCM, nhưng hiện nay, tính kết nối tăng mạnh, tạo điều kiện cho thị trường địa ốc các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu… phát triển. Trong 5 năm tới, các thị trường này dồi dào cả cung lẫn cầu”- ông Đức nói.

Trên cơ sở đó, vị chuyên gia đến từ SSI nhận định, về cơ bản, bất động sản năm 2021 trở đi có đủ điều kiện để tạo chu kỳ mới, có thể từ nửa sau năm 2021.

Chia sẻ trên báo giới, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng: “Những sửa đổi luật có hiệu lực trong năm 2021 không chỉ tạo ra môi trường đầu tư bất động sản lành mạnh hơn, mà còn tháo gỡ các rào cản, bất cập trước đây. Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế cũng như sự khởi đầu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới; tất cả những điểu này mang lại kỳ vọng tích cực cho sự phục hồi của thị trường bất động sản năm nay”.

Nguồn: https://reatimes.vn/su-tich-cuc-cua-thi-truong-bat-dong-san-2021-20201224000003278.html