19/01/2025 | 10:26 GMT+7, Hà Nội

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái (2): Vì sao doanh nghiệp không “mặn mà” với khởi kiện?

Cập nhật lúc: 27/11/2018, 06:01

Tình trạng vi phạm nhãn mác hàng hóa, hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều và ở cấp độ tinh vi ở tất cả các mặt hàng từ giá thành thấp đến cao. Sản phẩm càng có uy tín thì lại càng bị làm giả nhiều. Đây không còn là vấn đề mới nhưng vẫn "nóng" mỗi ngày và là mối lo ngại không của riêng ai.

Điều đáng nói là, rất nhiều doanh nghiệp ngại ngần, từ chối khi cơ quan chức năng đề nghị phối hợp để xử lý hàng giả, hàng nhái. Nguyên nhân là do đâu?

Doanh nghiệp làm gì khi phát hiện hàng giả, hàng nhái?

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hiện Hà Nội có khoảng 230.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có trên 50% doanh nghiệp không lưu ý về quản lý sở hữu trí tuệ.

Không chỉ vậy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay lại chưa sử dụng hết quyền lực của người bán để kiểm soát tình trạng hàng giả hàng nhái, vì đó mà vấn nạn này vẫn liên tục xảy ra.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Như trường hợp của Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (Vnpofood), khi phát hiện có sản phẩm làm nhái Vinaga doanh nghiệp đã loay hoay không biết phải xử lý thế nào. Sau khi nhận được tư vấn từ giới chuyên môn và cơ quan chức năng, đại diện doanh nghiệp đã tìm cách liên hệ với đơn vị làm nhái sản phẩm và lên kế hoạch bổ sung giấy tờ theo quy định để chuẩn bị cho quá trình khởi kiện.

Theo ông Nguyễn Công Suất - Giám đốc Vnpofood thì đơn vị làm nhái sản phẩm đã chủ động thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm nhái, đồng thời xin rút giấy cấp phép kinh doanh và lưu hành đối với sản phẩm Vitaga - sản phẩm làm nhái Vinaga.

Như đã nói, đây là một trường hợp hi hữu khi quá trình xử lý diễn ra nhanh chóng. Còn lại, về cơ bản thì không ít doanh nghiệp một phần do không muốn bị nêu tên trên các phương tiện truyền thông về việc sản phẩm bị làm giả, sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu, một phần khác do không nắm được quy trình xử lý khiếu kiện nên cũng đã lờ đi.

Về cơ bản, khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư, các đơn vị bảo hộ thương hiệu để khiếu nại lên Cục sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý thị trường.

Nhưng trước hết, để bảo vệ chính mình, mỗi doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ thương hiệu, tăng cường việc truyền thông tới người tiêu dùng những đặc điểm nhận biết sản phẩm, thương hiệu của mình. Bởi nếu không đăng ký bảo hộ thương hiệu thì sẽ không có cơ sở nào để các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết khi có khiếu kiện, tranh chấp xảy ra.

“Mỗi doanh nghiệp là 1 chiến sĩ”

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, trước áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ các đối thủ mà còn đến từ các sản phẩm làm giả, làm nhái, kém chất lượng thì mỗi doanh nghiệp cần có sức chiến đấu và chủ động như một người chiến sĩ trên thương trường

Theo vị này, nếu ngay từ đầu đăng ký tên bảo hộ có ý nghĩa, đặc biệt và gây ấn tượng cũng như mang dấu ấn của thương hiệu thì tình trạng làm giả, làm nhái sẽ hạn chế.

Thêm vào đó, ông Lộc cũng đưa ra lý do làm cho thị trường hàng hóa khó kiểm soát và sự “lũng loạn” của hàng giả, hàng nhái đó là vì vị trí của Việt Nam - hành lang chung, gần cửa khẩu nên bên cạnh việc làm giả từ trong nước thì hàng hóa còn dễ bị xâm phạm cả từ khu vực biên giới nên rất khó kiểm soát.

Vì sao doanh nghiệp kém “mặn mà” với khiếu kiện?

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây về vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa, ông Lộc cho hay, đã có doanh nghiệp gửi đơn kiện vì bị làm giả, làm nhái, vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu. Tuy nhiên, sau khi được yêu cầu bổ sung các giấy tờ cần thiết theo quy định thì đại diện doanh nghiệp lại từ bỏ ý định theo tiếp vụ kiện và quyết định “sống chung với lũ”, nhắm mắt bỏ qua các sản phẩm làm giả làm nhái vẫn tràn lan trên thị trường.

Câu hỏi đặt ra là vì sao doanh nghiệp lại e ngại khi khởi kiện?

Trả lời vấn đề này, Luật sư Kiều Anh Vũ, Trưởng VP Luật KAV Lawyer, Đoàn LS TP.HCM cho hay, khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, doanh nghiệp có thể tiến hành thương lượng, giải quyết tranh chấp với công ty vi phạm, từ đó yêu đính chính, dừng việc làm giả và bồi thương đơn vị bị hại.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Trưởng VP Luật KAV Lawyer, Đoàn LS TP.HCM

Luật sư Kiều Anh Vũ, Trưởng VP Luật KAV Lawyer.

Trong trường hợp thương lượng bất thành, doanh nghiệp có thể khởi kiện lên các cơ quan chức năng để báo cáo về sai phạm.

Để làm như vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ thể hiện quyền sở hữu với sản phẩm, hàng hóa cần đầy đủ giấy tờ xuất xứ, đồng thời cũng cần mang theo các sản phẩm giả, nhái để làm căn cứ.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, nếu sản phẩm đã được đăng ký sở hữu nhãn hiệu, trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ gửi báo cáo lên Cục để Cục kiểm tra và có xác nhận, đưa ra kết luận rằng sản phẩm có vi phạm hay không, doanh nghiệp có bị xâm hại về quyền sở hữu nhãn hiệu hay không.

Nhưng nhiều doanh nghiệp lại không “mặn mà” với việc khiếu kiện bởi có rất nhiều lý do. 

Trước hết, theo LS Kiều Anh Vũ thì thời gian giải quyết thường khá lâu khiến doanh nghiệp... nản chí. Nhiều vụ việc thời gian khiếu kiện và giải quyết kéo dài từ 6 tháng tới 1 năm. Đi kèm với đó là các chi phí để theo vụ kiện, mất thời gian, tốn kém tiền bạc nên đôi khi lựa chọn của doanh nghiệp đành là nhắm mắt làm ngơ trước các sản phẩm làm giả.

Còn 1 lý do nữa khiến doanh nghiệp lắc đầu từ chối các vụ khởi kiện, đó là kết quả phán quyết của tòa án. Điều này có lẽ không còn quá lạ lẫm với người dân, khi mà vài năm trở lại đây, những câu chuyện về "án oan" đã xảy ra khiến nhiều người vô tội phải ngồi tù, chịu án lên tới hàng chục năm. Dù sau đó công lý đã được thực thi nhưng “án oan” thì vẫn còn đó, nên doanh nghiệp như “chim sợ cành cong” là điều dễ hiểu.

Nếu theo kiện, sẽ có 2 câu chuyện xảy ra khiến doanh nghiệp ngần ngại, thứ nhất, chưa chắc phán quyết của bản án đã có lợi cho doanh nghiệp. Trong trường hợp các chứng cứ không đủ sức thuyết phục để khởi kiện đơn vị mà doanh nghiệp cho là làm giả, làm nhái thì bao công sức của doanh nghiệp chỉ mang lại kết quả là số 0 tròn trĩnh.

Thứ 2 là lo ngại ở khâu thi hành án, khi có kết luận đối với đơn vị sai phạm nhưng chưa chắc các đơn vị này đã thực thi phán quyết của tòa án mà tìm cách chây ì, doanh nghiệp hoặc sẽ phải mất thêm thời gian để quá trình này diễn ra. Và trong thời gian đó, doanh thu doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng bởi sản phẩm làm giả, làm nhái vẫn tràn lan trên thị trường.

Vậy là quy trình tố tụng mất thời gian, tốn kém chi phí nhưng chưa chắc đã xử lý được tận gốc rễ các cơ sở làm giả, làm nhái phần nào khiến cho doanh nghiệp không mặn mà với hoạt động khiếu kiện. Vì vậy mà, dù "của đau con xót" nhưng vẫn có doanh nghiệp thờ ơ với hàng giả.

Đây cũng là 1 vấn đề đặt ra câu hỏi cho cơ quan chức năng, có lẽ cần sự góp sức và phối hợp cao hơn nữa từ cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp để không còn tình trạng người tiêu dùng thì hoang mang mà doanh nghiệp thì cũng lao đao không biết xử lý thế nào với hàng giả, hàng nhái.