19/01/2025 | 21:18 GMT+7, Hà Nội

Vẫn còn hai yếu tố chưa đưa vào giá viện phí

Cập nhật lúc: 17/11/2019, 06:40

Từ năm 2012 đến nay, y tế Việt Nam nhiều lần điều chỉnh giá dich vụ khám, chữa bệnh theo hướng từng bước tính đúng, tính đủ. Đây là yêu cầu tất yếu của sự phát triển theo đúng lộ trình của Chính phủ.

Tiếp nhận hồ sơ BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ảnh: V.Thu

Giá mới bao gồm 5/7 yếu tố

Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, giá dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm dịch vụ khám, chữa bệnh sử dụng ngân sách Nhà nước) thực hiện điều chỉnh theo lộ trình năm 2016-2020 theo hướng từng bước kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ.

Cụ thể, đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý); đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí quản lý (chưa tính kế hoạch tài sản cố định); đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương + chi phí quản lý + chi phí kế hoạch tài sản cố định.

Tính đến nay (tháng 11/2019), giá viện phí bao gồm 5/7 yếu tố: Chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị. Hiện còn 2 yếu tố: Chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa được cấu thành vào giá viện phí. Theo lộ trình, đến năm 2020, viện phí sẽ tính đúng tính đủ cả 7 yếu tố.

Sau nhiều lần điều chỉnh, giá khám chữa bệnh chỉ 2-3.000 đồng/lượt khám (bằng giá gửi xe) thì đến nay giá khám chữa bệnh từ 27.500 đồng đến 38.700 đồng/lượt khám bệnh. Giá tiền giường từ hơn 10.000 đồng/ngày đêm thì nay thay đổi khá lớn tới vài trăm nghìn đồng/ngày đêm, giường hồi sức cấp cứu còn lên đến gần 1 triệu đồng/ngày.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, viện phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá với nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, chia sẻ trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người bệnh.

Theo Bộ Y tế, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế. Thay vào đó, lộ trình tính đúng, tính đủ nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện tự chủ về nguồn lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động có hiệu quả trong các nhiệm vụ của mình, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, giúp người bệnh có nhiều lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh hiệu quả, chất lượng hơn. Đơn cử, với việc tính lương nhân viên y tế vào giá viện phí, năm 2018, ngành Y tế cho biết đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 9.000 tỉ đồng. Số tiền tiết kiệm này, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua việc tăng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT, giảm tỷ lệ đồng chi trả của người bệnh.

Đánh giá kỹ tác động của điều chỉnh giá dịch vụ y tế với các nhóm đối tượng

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định trước mỗi lần điều chỉnh giá dich vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế đều phối hợp với các Bộ/ngành đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách. Việc đánh giá tác động đến các đối tượng người dân là trên cơ sở Luật, Nghị định là các quy định của Nhà nước.

Đơn cử, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100%. Vì vậy việc điều chỉnh giá, các đối tượng này không bị ảnh hưởng.

Đối với người cận nghèo, tỷ lệ đồng chi trả là 5% (nghĩa là BHYT "lo hộ" 95%) nên mức độ tác động không đáng kể. Đối tượng có sự tác động, ảnh hưởng khác khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế là những người có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% (BHYT chi trả 80% còn lại), thì mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Ngoài ra, chính sách cũng có nhiều hỗ trợ khác như người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Với mức lương hiện nay, đối tượng này được thanh toán tăng từ 8.340.000 đồng lên 8.940.000 đồng. Đồng thời, mức thanh toán chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không quá 45 tháng lương cơ sở sẽ tăng lên, tương đương 67,05 triệu đồng.

Tính đến hết tháng 11/2019, tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia BHYT lên tới xấp xỉ 90%, nghĩa là vẫn còn 10% người dân chưa có thẻ BHYT. Theo ông Nguyễn Nam Liên, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật, nhóm 10% này có thể bị tác động mạnh. Do đó, để giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tốt nhất người dân nên tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người có thu nhập cao, người nước ngoài, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Thông tư sẽ quy định phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí. Bệnh viện có thể mời các giáo sư, bác sĩ nổi tiếng quốc tế đến Việt Nam khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân có nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh, giúp giảm chi phí điều trị cho nhóm đối tượng này. Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật.