18/01/2025 | 15:06 GMT+7, Hà Nội

Sốt xuất huyết vào mùa, các bệnh viện phía nam cạn kiệt thuốc điều trị

Cập nhật lúc: 21/09/2019, 11:00

Các bệnh viện khu vực phía nam đang 'chạy vạy' khắp nơi nhưng đều thiếu nghiêm trọng dịch cao phân tử - một loại dịch dùng trong điều trị sốt xuất huyết...

Các bệnh viện khu vực phía nam đang 'chạy vạy' khắp nơi nhưng đều thiếu nghiêm trọng dịch cao phân tử - một loại dịch dùng trong điều trị sốt xuất huyết, có tác dụng chống sốc cho bệnh nhân nặng.

Trong kho các bệnh viện hiện đang thiếu dịch cao phân tử Refortan trị sốt xuất huyết.

Trao đổi với Vietnamnet, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, dịch cao phân tử ở viện chỉ còn cầm cự khoản 2 tuần nữa. Hiện tình hình bệnh sốt xuất huyết ở viện tăng 300% so với cùng kì năm ngoái.

Phương án tạm thời bệnh viện là mua lại dịch cao phân tử từ các bệnh viện xung quanh. Song, bác sĩ cho rằng đây là phương án không khả thi, vì hầu hết các bệnh viện phía nam đang thiếu thuốc như nhau.

Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre cho hay, lượng thuốc viện chỉ có thể duy trì trong vài tuần. Hiện, bệnh viện đang tìm nguồn mua dịch cao phân tử sau khi nhận thông tin ngưng cung ứng từ công ty nhập khẩu. Các bác sĩ lo lắng nếu tình hình sốt xuất huyết gia tăng thì khó lòng đảm bảo thuốc để đám ứng điều trị nếu các ca bệnh nặng tăng theo.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, khoảng dự trữ dịch cao phân tử đáp ứng được yêu cầu để điều trị sốt xuất huyết tại viện. Bệnh viện đã hỗ trợ một phần cho các bệnh viện tỉnh.

Cục Quản lý dược đang cố gắng xin "Visa" nhập thuốc để đảm bảo cung ứng các cơ sở khám chữa bệnh.

Lý giải tình trạng thiếu dịch cao phân tử Refortan, bác sĩ cho rằng đây là thuốc nằm trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết nặng, giúp chống sốc. Do nhà cung ứng thuốc thông báo tạm ngưng với các bệnh viện vì đang vướng thủ tục nhập khẩu. Các bệnh viện phía nam đã làm tờ trình báo cáo tình trạng trên cho Sở Y tế địa phương và Bộ Y tế để sớm tháo gỡ.

Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh, thông tin trên báo Nguoiduatin cho hay, theo Cục Y tế Dự phòng, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa, bình bông.


Ảnh minh họa.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn, mùng kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.