19/01/2025 | 06:56 GMT+7, Hà Nội

Vẫn còn “điểm nghẽn” với chế biến hoa quả

Cập nhật lúc: 20/03/2019, 09:00

Hiện cả nước có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất trên 800.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, trái cây được đưa vào chế biến còn ít cả về chủng loại và sản lượng.

Cần chú ý và tạo điều kiện hơn nữa để đầu tư và chế biến hoa quả (Ảnh TL) Cần chú ý và tạo điều kiện hơn nữa để đầu tư và chế biến hoa quả (Ảnh TL)

Riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến, nhưng hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.

Năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017; trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị. Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD); kế đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng.

Năm 2018, hàng rau quả của Việt Nam xuất sang 13 thị trường lớn trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 73,1% thị phần, còn lại là các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc…

Theo Bộ NN-PTNT, để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu quả trên 3,6 tỷ USD, việc tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp bách; trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn cũng như đầu tư nhà máy chế biến.

Theo nhiều chuyên gia, chế biến hoa quả tại Việt Nam hiện vẫn gặp những điểm nghẽn; trong đó vấn đề quan trọng nhất là nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, theo mùa vụ. 

Từ tập quán canh tác này đã dẫn đến vào mùa vụ thì hàng hoá tập trung cao, không tiêu thụ nhanh thì thua lỗ; ngược lại trái vụ thì không tạo được sản lượng lớn, ổn định cho xuất khẩu. 

Mặt khác, do quy mô nhỏ lẻ (mỗi hộ từ 200-300 m2 cho rau, 1.000 m2 cho hoa hoặc quả) nên sản lượng hàng hóa không nhiều và gây trở ngại cho việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất và kinh doanh.