18/01/2025 | 19:58 GMT+7, Hà Nội

Vai trò của cho vay tiêu dùng cần phải được nhìn lại một cách đúng đắn

Cập nhật lúc: 29/01/2021, 15:27

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trước những thông tin dư luận phản ánh thiếu công bằng cho thị trường tài chính tiêu dùng thời gian vừa qua.

- Trong bối cảnh tài chính tiêu dùng phát triển khá mạnh tại các quốc gia trên thế giới, ông có đánh giá như thế nào về thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một nghiên cứu của FiinGroup xuất bản năm 2020 nhận định, sau giai đoạn tăng “nóng” 2014-2015 với tỷ lệ tăng trưởng hơn 168%/năm và đạt quy mô 577.407 tỷ đồng, thị trường tài chính tiêu dùng đã ổn định hơn với tốc độ tăng trưởng “kép” hàng năm 30,4%/năm (2015 – 2019). Năm 2019 tín dụng tiêu dùng đóng góp 20,5% vào dư nợ tín dụng quốc gia - một con số khá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực. 


TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tín dụng tiêu dùng đã phần nào khiến giới cho vay nặng lãi “mất dần việc”


TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tín dụng tiêu dùng đã phần nào khiến giới cho vay nặng lãi “mất dần việc”
Do đó, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 4.2020, toàn quốc có gần 28.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó có hàng ngàn cơ sở cầm đồ có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Mười, QH Khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trong việc cho vay qua các app với thủ đoạn đòi nợ tàn khốc...

Có thể nói, trước khi tài chính tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam, tín dụng đen với lãi suất cao quá mức đã rất quen thuộc. Sự xuất hiện của tín dụng tiêu dùng đã đem đến những thay đổi lớn cho những cá nhân cần các khoản vay nhỏ. Mặc dù chưa hoàn toàn xóa sạch tín dụng đen và hệ quả của nó, nhưng tín dụng tiêu dùng đã phần nào khiến giới cho vay nặng lãi “mất dần việc”.

- Tuy nhiên, năm qua cũng là năm mà thông tin không tốt về tài chính tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông khá dày đặc, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là có những cá nhân, có những hành vi đòi nợ không đúng pháp luật nhưng tôi vẫn nhấn mạnh lại một chia sẻ xuyên suốt khi đề cập về vấn đề đi đòi nợ của nhân viên tài chính-ngân hàng “đứng cho vay, quỳ thu hồi nợ”.

Tình trạng chây ì, trốn nợ, chuyển khỏi nơi cư trú… không phải là hiếm tại các công ty tài chính tiêu dùng. Có trường hợp không có khả năng trả được nợ do khó khăn đã đành nhưng không thiếu trường hợp có khả năng nhưng cố tình không trả. Tôi cho rằng, chúng ta cần có đánh giá công bằng hơn về các công ty tài chính tiêu dùng.

- Có ý kiến cho rằng, tài chính tiêu dùng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, giúp cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giúp những người không thuộc đối tượng của ngân hàng do điểm tín dụng thấp được tiếp cận với nguồn vốn an toàn. Ông có đồng tình với nhận định này không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Một bộ phận lớn người dân không tiếp cận được với các kênh tín dụng truyền thống vì không có lịch sử vay mượn tại các tổ chức tín dụng, không có tài sản thế chấp và không có thu nhập có thể chứng minh. Những thành phần này chạy vào các kênh tín dụng phi truyền thống để thỏa mãn nhu cầu tài chính. Họ trở thành những “con mồi”, nạn nhân của tín dụng đen.

Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2020, lực lượng cảnh sát hình sự đã truy quét hơn 300 vụ án liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi và xử lý hơn 600 đối tượng. Mặc dù tính chất, mức độ đã giảm đáng kể, tuy nhiên diễn biến vẫn phức tạp, thực trạng cho vay nặng lãi đang xảy ra ở khắp nơi.

Để xử lý, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp, bộ, ban ngành. Về phía các tổ chức tín dụng, cần mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân cũng như doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người nông dân một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/vai-tro-cua-cho-vay-tieu-dung-can-phai-duoc-nhin-lai-mot-cach-dung-dan-20201231000000609.html