Ưu đãi để phát triển nhà ở giá rẻ “xanh"
Cập nhật lúc: 23/07/2019, 07:01
Cập nhật lúc: 23/07/2019, 07:01
Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu người, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình có thể lên đến 5,1 triệu căn.
Tuy nhiên, đa phần các dự án chung cư xanh hiện nay đều thuộc phân khúc bất động sản cao cấp, dành cho người có thu nhập cao. Còn nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng. Thậm chí để cắt giảm chi phí, các dự án này còn bị cắt xén các diện tích công cộng, không gian xanh, trong khi đây lại là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
Một trong những lý do khiến nhà ở giá rẻ - xanh đang rất hiếm trên thị trường là do chi phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận thấp khiến nhiều chủ đầu tư e ngại.
Theo một số kết quả nghiên cứu, chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh trên thực tế chỉ từ 1% đến 5% tại Việt Nam, qua khảo sát chi phí gia tăng trung bình là 1,8% đến 2%. Chi phí gia tăng này bao gồm chi phí cho việc thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu, chi phí tư vấn chứng nhận công trình xanh và chi phí cho thiết bị, vật liệu phù hợp các yêu cầu của công trình xanh.
“Do vậy, đối với các chủ đầu tư thì “rẻ” đã khó rồi, lại thêm “xanh” nữa thì giống như bài toán được chất thêm một biến số, càng khó giải. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm được mà việc thực hiện sẽ mất nhiều công sức hơn, bởi nhà ở giá rẻ cũng cần xanh”, TS.KTS Trần Minh Tùng khẳng định.
Theo các chuyên gia, nhu cầu “sống xanh” của người dân tại phân khúc nhà giá rẻ đang dần trở nên bức thiết hơn cả. Nhận thức được điều đó, nhiều chủ đầu tư nhà ở giá thấp đã chủ động cắt giảm phần lợi nhuận, nhường chỗ cho việc tái tạo mảng xanh.
“Những chủ đầu tư nào cung cấp được loại hình này thì ắt họ sẽ tạo được thương hiệu và uy tín trong mắt người dân. Bởi vì một thị trường nếu ai cũng đều phát triển nhà ở phân khúc cao thì ai sẽ là người quan tâm đến phân khúc thấp? Đây là bài toán đường dài mà các doanh nghiệp khôn ngoan hướng đến”, KTS Trần Minh Tùng cho hay.
Bên cạnh đó, dù chi phí đầu tư bị đội lên, nhưng lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, làm gia tăng giá trị tài sản.
Nói về lợi ích và sự cần thiết của việc phát triển nhà ở xanh, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng khẳng định: “Với sự tăng nóng của thị trường xây dựng Việt Nam 5 năm tới, rõ ràng chúng ta cần làm cuộc cách mạng xanh để góp phần giảm sử dụng năng lượng trong quá trình vận hành. Quan trọng nhất là đem đến cho người dân, đặc biệt là người dân tại những dự án nhà giá rẻ một cuộc sống “xanh” tối đa”.
Các chuyên gia đánh giá, đối với chung cư giá rẻ, “mảng xanh” cần phải đảm bảo các tiêu chí: "Xanh" nghĩa là phải có cây xanh từ dưới đất, ban công đến sân thượng; "Sạch" đồng nghĩa với nắng gió thông thoáng, môi trường trong lành, không hao tốn điện chiếu sáng và làm mát căn hộ, sảnh tầng và tầng hầm vào ban ngày. Cụ thể, "tiết kiệm 80% điện" và "10 giờ trái đất/ngày". Quan trọng là giá bán phải rẻ từ 14 triệu đồng/m2 vì phục vụ cho người có thu nhập thấp. Cuối cùng là cư dân được an tâm không xảy ra tranh chấp; bảo đảm an toàn không cháy, không ngạt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, quỹ đất, ưu đãi cho nhà phát triển…thì mới có thể thực thi hiệu quả.
"Những chủ dự án cung cấp các dự án nhà ở giá rẻ xanh cần phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ví dụ, Nhà nước có thể tạo điều kiện hỗ trợ ưu đãi về đất đai, ưu đãi trong việc xây dựng, để đảm bảo chủ đầu tư vừa thu được lợi nhuận vừa tạo được sản phẩm tốt, có thương hiệu. Hay đặt điều kiện chủ đầu tư muốn xây dựng một tòa thương mại thì phải xây trước một căn xanh giá rẻ. Tức là xây dựng nhà ở xanh sẽ có quyền xây dựng nhà ở thương mại từ chính ưu đãi của Nhà nước.
Bởi chủ đầu tư họ luôn tính đến bài toán kinh tế, chứ không thể “phi lợi nhuận” ở tất cả các dự án. Còn người dân thì mong muốn nhà ở vừa chất lượng vừa rẻ. Nếu không có chính quyền hỗ trợ thì 2 nhu cầu đó khó gặp nhau, khi một bên cần kinh tế để tồn tại, một bên cần giảm giá xuống để có thể mua được. Đối với nhà cao cấp tức có nhiều tiền thì việc xanh hóa sẽ cực kỳ dễ. Còn khi có ít tiền mà muốn xanh thì bắt buộc phải sử dụng nhiều công sức hơn”, KTS Trần Minh Tùng nhấn mạnh.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/uu-dai-de-phat-trien-nha-o-gia-re-xanh-37775.html
07:00, 20/07/2019
19:00, 17/01/2019
10:19, 13/04/2018