18/01/2025 | 17:13 GMT+7, Hà Nội

Người Việt Nam có đang sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm nhà ở xanh?

Cập nhật lúc: 13/04/2018, 10:19

Nhiều năm trước, định nghĩa “sống xanh”, “nhà ở xanh” hay “công trình xanh” còn khá xa lạ với nhiều người thì hiện nay, những từ khóa này đang được tìm kiếm nhiều nhất trên Internet. Điều gì khiến cho thuật ngữ này trở nên phổ biến với thị trường trong bối cảnh có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên tại trung tâm các thành phố lớn, diện tích cây xanh, mặt nước ngày càng bị thu hẹp?

Trong nhiều lần hội thảo về công trình xanh, giới chuyên môn đều cho rằng, từ sự tác động của môi trường sống đến ý thức của người tiêu dùng, hơn nữa, do Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của việc biến đổi khí hậu, nhất là thời tiết thay đổi thất thường trong vòng 2 năm trở lại đây đã tác động lớn đến cuộc sống của người dân, góp phần hình thành một xu hướng mới trong ngành bất động sản.

Bên cạnh đó, việc dân số ngày càng tăng về cả tự nhiên lẫn cơ học ở các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP.HCM cũng khiến nhu cầu sở hữu nhà để an cư ngày một tăng cao. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm căn hộ nằm ở phân khúc trung bình của đại bộ phận người dân.

Kinh tế phát triển, tầng lớp trung lưu mới đang gia tăng số lượng, dự đoán sẽ đạt con số 33 triệu hộ trong vòng 5 - 10 năm nữa. Điều này là căn cứ để thấy rằng, khách hàng tiềm năng chọn nhà ở xanh là rất lớn.

Tuy nhiên, vẫn có quan điểm cho rằng, hiện nay, chỉ những ai có tài chính dồi dào mới có thể sở hữu một ngôi nhà có không gian gần gũi với thiên nhiên, đồng thời có đầy đủ các tiện nghi hiện đại. Quan điểm này xuất phát từ tâm lý khi chi phí xây dựng công trình xanh “đắt đỏ” sẽ đội giá nhà tăng cao.

điều đáng mừng hiện nay là người dân Việt Nam đã sẵn sàng chi tiền nhiều hơn khi mua nhà ở những dự án xanh.

Điều đáng mừng hiện nay là người dân Việt Nam đã sẵn sàng chi tiền nhiều hơn khi mua nhà ở những dự án xanh đúng nghĩa.

Nếu nhìn từ thực tế chúng ta thấy rõ, khách hàng hiện nay đều là “người tiêu dùng thông minh” khi mua nhà. Họ đã chú trọng tới chất lượng cốt lõi của sản phẩm, quan tâm tất cả từ khâu thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu, hoàn thiện và hoạt động của công trình trong tương lai.

Theo đó, một dự án sẽ không phải là “đắt đỏ” nếu dự án đó trong suốt quá trình vận hành giúp họ tiết kiệm năng lượng, đem lại không gian sống an toàn, lành mạnh.

Nói về câu chuyện công trình xanh đắt hay không, Reatimes đã từng có cuộc trao đổi với chuyên gia công trình xanh TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng thư ký, Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Vị chuyên gia này phân tích rằng, để xây dựng công trình xanh với chi phí hợp lý, có lẽ cần xây dựng một khái niệm các giải pháp cụ thể.

Trong đó, phải có những định nghĩa về công trình xanh; cách thức thiết kế; giải pháp mái xanh, sử dụng thủ pháp chắn nắng mặt đứng công trình; hay giải pháp dùng tấm pin mặt trời trên mái, trên mặt đứng để tạo năng lượng sử dụng cho tòa nhà… Quy trình càng cụ thể chi tiết thì sẽ rõ ràng mọi chi phí.

KTS. Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh: “Đối với một công trình xanh, chi phí thành phần lớn nhất chính là chi phí tư vấn hoặc quản lý dự án. Theo đó, để có được một công trình với chi phí hợp lý lại có hiệu quả cao phải có sự hợp tác hiệu quả giữa chủ đầu tư, kiến trúc sư, nhà thầu, thiết kế".

Cũng theo tiêu chí kiến trúc công trình xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng công bố, tiêu chí chung đối với công trình xanh là phải có 3 yếu tốt cốt lõi: Sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện môi trường và tác động nâng cao ý thức cộng đồng.

Lấy ví dụ đơn giản là từng có một doanh nghiệp cho hay, nhờ ứng dụng tiêu chuẩn công trình xanh vào dự án nhà ở mà dự án của họ giúp cư dân giảm hóa đơn tiền điện, nước sử dụng đến 27,5%.

Từ đó, hầu hết các chuyên gia về công trình xanh đều cho rằng, điều đáng mừng hiện nay là người dân Việt Nam đã sẵn sàng chi tiền nhiều hơn khi mua nhà ở những dự án xanh. Bởi giá trị tòa nhà này mang lại không phải chỉ đo lường bằng tiền mà còn đo bằng chất lượng sống, sức khỏe, chỉ số hạnh phúc…

Thiết nghĩ, ở một quốc gia mà giá đất thuộc vào dạng cao nhất nhì thế giới như Việt Nam, việc dành ra một quỹ đất lớn cho các hoạt động cộng đồng, cây xanh và mặt nước là một bài toán khó, nhất là vấn đề lợi nhuận cho nhà đầu tư. Câu chuyện cầu đã có, cung thế nào vẫn cần những chính sách rõ ràng hơn.

Một trong những tín hiệu lạc quan nhất là từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh” cùng nhiều chương trình hành động thiết thực. Và để cụ thể hóa, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư và thị trường bất động sản phát triển xu hướng xanh./.