Ủng hộ tăng trưởng xanh, tín dụng xanh trở thành xu thế
Cập nhật lúc: 26/09/2022, 13:30
Cập nhật lúc: 26/09/2022, 13:30
Tín dụng xanh là giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp trong các dự án, quỹ đầu tư liên quan đến môi trường và hệ sinh thái. Chính vì thế nó cũng đang góp phần không nhỏ vào tăng trưởng xanh của nền kinh tế ở nước ta. Tín dụng xanh ở Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có sự phát triển và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ngành ngân hàng không chỉ là kênh cung ứng nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế mà còn đóng vai trò “xanh hóa” dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Điều này cũng góp phần hạn chế dòng vốn vào các dự án ảnh hưởng đến môi trường, tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Được biết, theo kế hoạch đến năm 2025, ngân hàng nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 10-12% ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. Đồng thời Ngân hàng nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập và lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm.
Các ngân hàng cũng mở rộng đối tượng hướng đến áp dụng các gói tín dụng xanh, tập trung vào các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai những dự án có yếu tố “xanh”. Có thể kể tên một số ngân hàng gắn nhiều với tín dụng xanh như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A bank)...
Năm 2021 là một năm đại dịch Covid-19 gia tăng chóng mặt, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài FDI có xu hướng chậm nhưng dòng vốn từ nguồn này chảy vào các dự án tăng trưởng xanh Việt nam vẫn tích cực.
Tháng 11/2021, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhờ vào cam kết này, trong thời gian tới dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh sẽ tiếp tục gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế. Đối với các ngân hàng và doanh nghiệp cũng sẽ tự tin đẩy mạnh việc vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh đang dẫn đầu xu hướng của thế giới vì biến đổi của khí hậu, sự nóng lên của trái đất buộc con người phải chung tay hành động. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng định hướng nhiều hơn vào các dự án xây dựng, cải tạo môi trường để mang đến nhiều phúc lợi cho xã hội. Việc đóng góp các giá trị vào công cuộc xây dựng đất nước nói chung và tăng trưởng nền kinh tế “xanh hóa” nói riêng là điều cấp thiết nhưng cũng chính là trách nhiệm với tương lai.
Phát triển tín dụng xanh là từng bước đẩy mạnh và khẳng định xu hướng kinh tế tất yếu của một Việt Nam hội nhập. Có thể nhìn thấy sự thay đổi rõ nét sau khi thực hiện các giải pháp, đầu tư vào các lĩnh vực cải thiện môi trường. Đây cũng chính là chủ trương, chính sách lâu dài của nhà nước để mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc và lành mạnh cho người dân cả nước.
Việc cải thiện, hoàn thiện các chính sách trong hạng mục tín dụng xanh là điều cần phối hợp để thực hiện nhanh trong thời gian sắp tới. Sự vững mạnh của nền kinh tế phải song hành cùng sự bền vững, quyết tâm gìn giữ và bảo vệ môi trường để hướng đến các giá trị lâu dài vượt thời gian. Qua đó chúng ta cũng có thể thấy tăng trưởng xanh, tín dụng xanh lên ngôi là xu hướng tất yếu của một xã hội văn minh, tiến bộ và giàu đẹp.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ung-ho-tang-truong-xanh-tin-dung-xanh-tro-thanh-xu-the-71567.html
08:10, 13/12/2020
13:50, 11/10/2020
10:33, 18/09/2020
14:29, 28/11/2019