24/01/2025 | 10:36 GMT+7, Hà Nội

Ứng dụng gọi xe “lấn sân” mảng tài chính

Cập nhật lúc: 14/01/2021, 10:23

Sự kết hợp của Be và VPBank gần tương tự như Grab kết hợp cùng ví điện tử Moca với sản phẩm GrabPay by Moca nhằm tăng khả năng liên kết, trải nghiệm và thêm sự lựa chọn thanh toán...

 

Sau hai năm gia nhập thị trường, Be Group hiện đang sở hữu hơn 10 triệu khách hàng, chiếm gần 1/3 thị phần gọi xe trên toàn quốc. 

Theo thông báo từ Be Group, Công ty TNHH beFinancial (beFinancial, công ty con của Be Group, sẽ tham gia vận hành Ngân hàng số Cake trên cơ sở thỏa thuận Hợp tác chiến lược dài hạn giữa VPBank và Be Group. 

Theo thỏa thuận Hợp tác này, beFinancial thực hiện các công việc đặc thù về lĩnh vực công nghệ - tài chính: cung ứng các giải pháp, sản phẩm dịch vụ phần mềm công nghệ, phát triển, vận hành các giải pháp công nghệ mới như định danh khách hàng trực tuyến (e.KYC), giao kết hợp đồng điện tử (chữ ký số) (e.Contract/e.Signature)… cho Ngân hàng số Cake. Lĩnh vực hoạt động chính của beFinancial là nghiên cứu, phát triển, cung cấp các giải pháp liên quan đến lĩnh vực công nghệ - tài chính (Fintech). Đồng thời, beFinancial cũng hỗ trợ Cake thực hiện các hoạt động phát triển khách hàng, phát triển kinh doanh trên môi trường số. 

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một ứng dụng ngân hàng số hiển thị trực tiếp trên một ứng dụng gọi xe công nghệ. Điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích kép cho hơn 10 triệu khách hàng và tài xế của Ứng dụng gọi xe Be về mặt trải nghiệm tài chính, giúp khách hàng có thêm kênh giao dịch nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật và sinh lợi ngay trên chiếc điện thoại của mình. 

Được biết, tiền thân của Cake chính là Yolo by VPBank, theo thông báo trên trang web của Yolo, kể từ ngày 8/1, thương hiệu này đã được đổi tên:

“Nhằm mang lại những trải nghiệm tốt hơn và cung cấp những tiện ích tốt nhất về dịch vụ Ngân hàng số cho Quý Khách hàng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) xin trân trọng thông báo kế hoạch thay đổi tên thương hiệu “Yolo by VPBank” thành “Cake by VPBank” từ ngày 08/01/2021”- thông báo nêu rõ.

Như vậy, việc ra mắt ngân hàng số của Be Group về bản chất là sự hợp tác với VPBank đưa sản phẩm ngân hàng số Cake tích hợp trên app gọi xe Be. Sự kết hợp này từng thấy ở Grab kết hợp cùng ví điện tử Moca với sản phẩm GrabPay by Moca nhằm tăng khả năng liên kết, trải nghiệm và thêm sự lựa chọn thanh toán cho người dùng.

Với sự hợp tác chặt chẽ giữa Be Group và VPBank, Cake được kỳ vọng sẽ mang lại làn sóng mới cho lĩnh vực Fintech. Quan trọng hơn, Cake là minh chứng cho thấy sức mạnh “Make in Việt Nam” sẽ được phát huy mạnh mẽ thông qua sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt đầu ngành và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ đa quốc gia.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group đã chia sẻ về tham vọng của doanh nghiệp khi triển khai ngân hàng số: “Cake được phát triển và hoàn thiện bởi đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt của beFinancial và chính là bước đi quan trọng tiếp theo của chúng tôi trong việc nâng cấp hệ sinh thái của ứng dụng Be trên con đường phấn đấu trở thành nền tảng số mở hàng đầu Việt Nam, để góp phần mang đến những tiện ích vượt trội về mặt công nghệ tài chính cho khách hàng và tài xế của mình”.

“Về lâu dài, chúng tôi mong muốn Cake sẽ trở thành tiện ích tài chính số thân thiết của người dân Việt Nam”- CEO Be Group nhấn mạnh.

Các chỉ số mới dành cho nền kinh tế phát triển sẽ không chỉ là GDP, hay tốc độ phát triển kinh tế, CPI, lạm phát… mà là khả năng tận dụng công nghệ kỹ thuật mới, tự động hóa, khả năng thích ứng chuyển mình, tiếp nhận cái mới để nền kinh tế trở nên thông minh hơn, năng động hơn. Trong đó, hoạt động ngân hàng là một phần then chốt của nền kinh tế quốc gia hay toàn cầu. 

Trước Be, Grab đã có những động thái hướng sang mảng tài chính ngân hàng. Theo đó, tại Singapore, Grab đã được cấp giấy phép mở ngân hàng số cùng với Tập đoàn viễn thông Singtel. Một báo cáo từ Ngân hàng đầu tư China Renaissance cho biết, các dịch vụ tài chính, trong đó có ví điện tử sẽ là động lực chính thúc đẩy Grab có lãi chứ không phải mảng gọi xe. 

Có thể thấy cả Grab, Be đều nhận thấy không thể "lơ là" thị trường tài chính đặc biệt khi các ứng dụng gọi xe đều đã có tệp khách hàng khá ổn định. Đặt trong bối cảnh thị trường Việt Nam, Việt Nam được xem là quốc gia năng động, có dân số trẻ thích nghi với công nghệ rất nhanh chóng. Theo báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota, Việt Nam hiện nay có đến 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, đạt tỷ lệ 44,9%. Tuy nhiên, khoảng 30% người dân trưởng thành vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.

Rất có thể, sau động thái cộng sinh với các ví điện tử, ngân hàng số, cho vay tiêu dùng sẽ là mục tiêu mà các hãng công nghệ này hướng tới.

Bởi dư địa cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn rất cao, tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Theo kết quả điều tra của CTTC FE Credit (trực thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank), hiện nay mới chỉ có 15 -20% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng hoặc công ty tài chính.

Theo số liệu báo cáo của Financial Times, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam chưa sôi động bằng hoạt động của 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Theo đó, chỉ số cho vay tiêu dùng của Việt Nam luôn thấp hơn Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong giai đoạn 2016 - 2018, mặc dù các chỉ số về Thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tùy ý tại Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn các quốc gia trên.

Có thể thấy các hãng công nghệ  đang muốn tận dụng những gì mình đang có tiềm năng từ tận dụng nguồn tài chính, công nghệ và cơ sở dữ liệu khách hàng.

Minh chứng cho điều này là khi Grab ra mắt dịch vụ GrabPay tại Việt Nam, hoạt động như một ví điện tử của riêng Grab, dù không có giấy phép trung gian thanh toán do NHNN cấp. Để hợp thức hóa hoạt động của GrabPay, Grab đã mua lại 3,523% cổ phần của Moca và ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca. Từ đó, GrabPay by Moca ồ ạt triển khai các dịch vụ thanh toán như thanh toán hóa đơn điện nước, nạp thẻ điện thoại, thậm chí là mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng đối tác của Grab...

Chưa dừng lại ở đó, Grab còn ra mắt chương trình cho vay mua trả góp điện thoại không lãi suất dành cho tài xế Grabbike. Chương trình này gây ra khá nhiều tranh cãi bởi theo giới chuyên môn, đó là dấu hiệu cho thấy Grab đang lấn sân sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bởi về bản chất các tài xế Grab chỉ là những đối tác, chứ không phải là nhân viên của Grab.

Tuy nhiên, việc cho vay và chuyển tiền là vấn đề nhạy cảm đối với nhiều quốc gia và được quản lý chặt chẽ bởi luật pháp. Điều này giải thích Grab phải hợp tác với ví điện tử Moca để có thể cùng cấp dịch vụ thanh toán trung gian hay như Be thành lập beFinancial trung gian vận hành Cake như đã nói ở trên. Như vậy, trong cuộc đua lĩnh vực tài chính, con đường cạnh tranh phía trước của hai hãng gọi xe công nghệ này chắc chắn sẽ còn hết sức cam go.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ung-dung-goi-xe-lan-san-mang-tai-chinh-20201231000000741.html