UBND phường Đại Kim: Chọn im lặng trước các sai phạm?
Cập nhật lúc: 01/09/2020, 09:24
Cập nhật lúc: 01/09/2020, 09:24
Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.
Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.
Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.
Theo ghi nhận thực tế của PV, ngay đối diện cổng chính của UBND phường Đại Kim (Số 1, ngõ 282 Kim Giang (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội), sai phạm lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh (rửa xe), đậu/đỗ xe ngang nhiên như "chỗ không người". Sai phạm xảy ra ngay trước mắt chính quyền địa phương nhưng không bị xử lý.
Sai phạm lấn chiếm vỉa hè ngay trước cổng UBND phường Đại Kim
Về phía cổng làng Đại Từ, bãi đỗ xe ngang nhiên lấn chiếm toàn bộ vỉa hè hoạt động. Điểm trông giữ xe nói trên ở ngoài trời, có rất nhiều xe ô tô đậu, đỗ, gửi tại đây mà không có hệ thống phòng cháy chữa cháy hoặc nếu có cũng chỉ mang tính chất đối phó, sẽ vô cùng nguy hiểm khi có sự cố xảy ra. Số tiền thu lợi từ sai phạm này sau đó “trôi” về đâu và ai quản lý, sử dụng, nộp ngân sách ra sao vẫn là câu hỏi được dư luận đặt ra nhưng suốt một thời gian dài, chính quyền địa phương vẫn im lặng và sai phạm vẫn hoàn sai phạm.
Khoảng không gian sân chung của chung cư CT4A Bắc Linh Đàm cũng được tận dụng làm điểm trông giữ xe. "Bãi xe này đã tồn tại từ khá lâu nhưng không hiểu sao đến thời điểm hiện tại vẫn không bị xử lý, ngày nào cũng hàng chục lượt xe ra vào, di chuyển cả trên vỉa hè, không còn không gian cho cư dân đi bộ" - đại diện cư dân CT4A Bắc Linh Đàm bày tỏ.
Dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty Cổ phần (CP) đầu tư xây dựng Đại Kim làm chủ đầu tư (CĐT) đã nhiều lần lấn chiếm một phần làn đường Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Công Thái (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) để thi công dự án, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của người đi bộ và các phương tiện khác tại khu vực. Sau hàng loạt phản ánh của người dân, khi chính quyền địa phương vẫn chưa có bất cứ động thái nào kiểm tra, xử lý thì công trình này vẫn tiếp tục sai phạm một cách công khai.
Công trình xây dưng ngang nhiên chiếm dụng lòng đường để phục vụ thi công. (Hình ảnh ghi nhận ngày 25/8/2020).
"Một dự án lớn như vậy, sai phạm lấn chiếm ngang nhiên như vậy thì không thể nói là không nắm được. Chính quyền địa phương ở đâu khi quyền lợi người dân bị ảnh hưởng? Phải chăng có sự hậu thuẫn từ lực lượng chức năng liên ngành thì dự án này mới "ngông nghênh" đến vây?" - người dân sống ở khu dân cư phía sau dự án gay gắt cho biết.
Dọc đường Nguyễn Cảnh Dị, các công trình xây dựng, các hộ kinh doanh trưng dụng triệt để vỉa hè, lòng đường để kê bàn, ghế, xếp xe cho khách. Các ki-ốt "mọc" lên chắn toàn bộ không gian lối đi của người đi bộ, muốn di chuyển qua các khu vực này chỉ có đi xuống lòng đường cùng các phương tiện giao thông khác.
Vỉa hè không còn là vỉa hè
Một số tuyến phố khác quanh khu vực này như đường Nguyễn Công Thái, Đặng Xuân Bảng... cũng xuất hiện "nhan nhản" các phương tiện dừng, đỗ, lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị và cản trở việc di chuyển và tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với người đi bộ. "Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, đáng lên án, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân" - đại diện cư dân phường Đại Kim nhấn mạnh.
Lối đi nào cho người đi bộ di chuyển?
Nguyên nhân của vấn nạn này đến từ sự bất lực hay bất thường trong công tác quản lý của chính quyền địa phương?
Liên quan đến vấn nạn này, bà Bùi Thị Kim Khuê - Nguyên Phó Chủ tịch phường Đại Kim từng cho biết: “Mật độ dân số trên địa bàn phường rất đông, nhưng chưa có một bãi đỗ xe nào hoạt động mà được cấp phép theo quy định của nhà nước. Một số điểm nằm trong quy hoạch của thành phố được cấp phép làm bãi trông giữ xe nhưng các dự án đang chậm tiến độ triển khai, trong khi nhu cầu gửi của người dân là rất cao, rất cần các điểm trông giữ xe, điểm đỗ xe tĩnh”.
Thế nhưng, đã một thời gian dài sau chia sẻ đó của lãnh đạo phường, đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục, xử lý triệt để. Phải chăng, cứ viện lý do không có bãi đỗ xe nên được phép "dung túng" cho các bãi đỗ trái phép, không đảm bảo các điều kiện cơ bản về phòng cháy chữa cháy?
Trước hàng loạt sai phạm lấn chiếm trên địa bàn phường, để khách quan thông tin, PV đã gửi công văn tới trụ sở UBND phường Đại Kim (ngày 14/8/2020) theo yêu cầu của ông Phạm Hải Bình - Chủ tịch phường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía phường chưa có bất cứ động thái nào trong việc hợp tác cung cấp thông tin chính xác cho báo chí.
Trong khi đó, nhiều năm qua Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo thực hiện minh bạch thông tin tới người dân thông qua báo chí, thể hiện bằng Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ); Luật Báo chí sửa đổi 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 6 về Nội dung quản lý nhà nước về báo chí quy định rõ hai vấn đề: “Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí”. Như vậy cung cấp thông tin cho báo chí là vấn đề luật định và nội dung này tiếp tục được làm rõ tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP (Nghị định) do Chính phủ ban hành ngày 9-2-2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn tồn tại nhiều cơ quan chính quyền địa phương chọn giải pháp "câu giờ", né tránh báo chí trong việc cung cấp thông tin, trong đó có UBND phường Đại Kim.
Chính sự im lặng đó đã dẫn đến việc sai phạm tiếp nối sai phạm, nguy cơ xảy ra TNGT vẫn đang "trực chờ" khi người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường, các phương tiện tham gia giao thông phải "vượt chướng ngại vật" qua các điểm giữ xe trái phép, qua các gánh hàng rong. Vậy, chờ đến bao giờ các cấp chính quyền địa phương mới có phương án cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người dân trên địa bàn?
Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cấp phép, quản lý và kiểm tra, giám sát đối với các bãi đỗ xe được quy định chi tiết tại Điều 56 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Cụ thể như sau:
1.Yêu cầu đối với bãi đỗ xe:
a) Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;
b) Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.
2. Nội dung kinh doanh tại bãi đỗ xe:
a) Dịch vụ trông giữ phương tiện.
b) Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
c) Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Quy định đối với đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe:
a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe.
b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết.
c) Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi.
d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này.
e) Thu tiền trông giữ phương tiện.
g) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách.
h) Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi xây dựng, lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, thu phí đường bộ khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định;
b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
2. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Nhìn từ các sự việc trên có thể thấy dường như những chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bãi trông giữ phương tiện trái phép vẫn chưa có tác dụng tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), khi mà những bãi trông giữ xe, các tiểu thương, hộ kinh doanh lấn chiếm trái phép vì mục đích tư lợi vẫn xuất hiện dày đặc tại khu vực này.
Pháp luật đã có quy định, chế tài xử phạt cũng rõ ràng nhưng các lực lượng chức năng địa phương vì sao vẫn không thể xử lý dứt điểm, triệt để tình trạng trên. Chính quyền phường Đại Kim có đang "bao che" trong công tác xử lý, "giúp" các sai phạm diễn ra "ngang nhiên và ung dung" đến vậy?
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.