Trước nguy cơ “trắng tay” của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Đông Anh (Hà Nội): Ai chịu trách nhiệm?
Cập nhật lúc: 04/04/2019, 14:21
Cập nhật lúc: 04/04/2019, 14:21
Câu chuyện không “mới” so với tình trạng gần 300 giáo viên ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhưng nỗi niềm thì chẳng ai giống ai. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả là ai chịu trách nhiệm trước vấn đề này và sẽ giải quyết thế nào cho thấu tình, đạt lý.
Nguy cơ … “trắng tay”
Sau huyện Sóc Sơn, hàng trăm giáo viên hợp đồng bậc Mầm non, Tiểu học và THCS tại huyện Đông Anh cùng ký tên gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến các cấp của thành phố Hà Nội và báo chí. Đơn của họ nêu, sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Đông Anh ký hợp đồng lao động để giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Tính đến nay, họ đã gắn bó, công tác trong ngành giáo dục khá nhiều năm, người ít nhất là 5 năm, người nhiều trên 20 năm.
Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần gặp nhiều khó khăn nhưng họ luôn nỗ lực phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Trong thời gian công tác, họ đã thể hiện được năng lực chuyên môn, nhiều người đã phấn đấu đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Nhiều thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Không ít thầy cô được tặng bằng khen các cấp, tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục, thậm chí có người đã được nhận Kỉ niệm chương của ngành giáo dục.
Đơn kiến nghị cũng thể hiện, dù đã công tác nhiều năm nhưng họ chỉ được hưởng hệ số lương tối thiểu, không hề được nâng lương, không có lương dịp hè và không được đóng bảo hiểm liên tục… Tình trạng hiện nay của họ chẳng khác gì số phận của gần 300 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn mà báo chí đã phản ánh trong những ngày gần đây.
Được biết, ngày 14/03/2019, UBND huyện Đông Anh ban hành thông báo về việc tuyển dụng viên chức giáo dục huyện năm 2019 trong đó có nội dung mà hàng trăm giáo viên vô cùng hoang mang, lo lắng bởi nếu không trúng tuyển hoặc không tham dự thi đều phải chấm dứt hợp đồng.
Theo kế hoạch thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 thì không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm. Chưa kể, không có giới hạn về hộ khẩu; mọi thí sinh trên cả nước đều có quyền dự thi nên số lượng dự thi sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh sẽ rất cao, cơ hội thi đỗ đối với giáo viên hợp đồng là rất mong manh. Nếu thi không đỗ, bị cắt hợp đồng thì hệ lụy kéo theo là không nhỏ, danh dự bị tổn thương, cuộc sống bị đảo lộn, gia đình con cái nheo nhóc. Ở cái tuổi đầu hai thứ tóc, họ không biết bấu víu vào đâu, không còn cơ hội để làm lại cuộc đời.
Các giáo viên khẩn thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền tạo một cơ chế nhân văn là xét đặc cách viên chức bởi thực tế năm 2013, huyện Đông Anh từng đặc cách viên chức cho giáo viên mầm non.
Một trong những hợp đồng lao động do UBND huyện Đông Anh ký
Ai chịu trách nhiệm?
Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và lãnh đạo các sở liên quan, trong đó đề nghị xét đặc cách đối với giáo viên lâu năm tại huyện Sóc Sơn... Hy vọng rằng với tình trạng tương tự của hàng trăm giáo viên lâu năm tại huyện Đông Anh (địa bàn giáp ranh) cũng sẽ được quan tâm xem xét, kiến nghị như ở Sóc Sơn.
Về mặt pháp lý và thực tế, nhiều chuyên gia pháp lý đề nghị cần làm rõ và giải quyết theo quy định. Theo đó, những giáo viên hợp đồng này đang giảng dạy tại các trường theo các “ Hợp đồng lao động” với UBND huyện Đông Anh và với các nhà trường. Điều đó nghĩa là khi họ chưa là viên chức, công chức thì phải giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động. Đa số họ được ký hợp đồng từ nhiều năm, nhiều lần, cá biệt có những giáo viên được “Hợp đồng lao động” không xác định thời hạn. Sau nhiều lần hết hạn hợp đồng (thường là hợp đồng 1 năm) họ vẫn được bố trí công việc thường xuyên, liên tục và vẫn được hưởng lương.
Theo quy định của pháp luật về lao động, khi hết hạn hợp đồng các bên phải ký tiếp (nếu có nhu cầu và người lao động có đủ điều kiện bảo đảm) hoặc thanh lý, chấm dứt hợp đồng… Tuy nhiên, nhiều năm qua phía UBND huyện không có bất kỳ động thái nào chấm dứt hợp đồng với họ, thậm chí vẫn sử dụng họ bình thường và trả lương.
Căn cứ Điều 22 Bộ luật Lao động 2012, khi hết hạn hợp đồng lao động, hai bên phải ký hợp đồng lao động mới, nếu không ký hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Hơn nữa, dù chưa ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với hàng trăm giáo viên nhưng UBND huyện Đông Anh vẫn tiếp tục sử dụng và trả lương cho họ. Vậy nên, cần phải tính đến việc UBND huyện đã mặc nhiên công nhận họ là những người lao động với hình thức không xác định thời hạn và giải quyết chế độ một cách tương xứng.
Các chuyên gia pháp lý đặt nghi vấn rằng phải chăng chính sự buông lỏng quản lý, thiếu giám sát và đôn đốc việc thực hiện hợp đồng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bỏ trắng” về số phận pháp lý đối với của những giáo viên này trong nhiều năm qua.
Thực chất, việc thi tuyển viên chức là tìm được người có đủ điều kiện, đáp ứng được yêu cầu của công việc. Những thầy cô này được bổ sung cho thời kỳ thiếu hụt giáo viên trước đây, tâm huyết với nghề và thực tế họ đã đáp ứng được những yêu cầu về nguồn lực giáo dục cho huyện Đông Anh. Do vậy, họ xứng đáng được tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp giáo dục với những bảo đảm vững chắc về mặt pháp lý và việc họ phải dự thi có thể không cần thiết và là… thừa.
Thiết nghĩ, vấn đề này cần được giải quyết thấu tình đạt lý, trên cơ sở xem xét trách nhiệm về pháp lý của bên sử dụng lao động, tránh tình trạng mà theo ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã nêu trên báo chí rằng, không nên “vắt chanh bỏ vỏ”.
16:20, 20/03/2019
07:40, 17/03/2019
11:33, 06/03/2019