19/01/2025 | 09:15 GMT+7, Hà Nội

Bồi dưỡng gần 1 triệu giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Cập nhật lúc: 06/03/2019, 11:33

Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, từ nay đến năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tập trung bồi dưỡng cho gần 1 triệu giáo viên phổ thông.

Đó là thông tin được đưa ra tạiHội nghị các trường sư phạm triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDPT thực hiện chương trình GDPT mới.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, giáo viên được xem là yếu tố quyết định sự thành bại của chương trình GDPT mới.

Theo kế hoạch, đến năm 2021 Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.

Bồi dưỡng gần 1 triệu giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Thành, bại của chương trình GDPT mới bắt đầu từ giáo viên. Ảnh minh họa

Đối với đội ngũ giáo viên, nội dung bồi dưỡng sẽ tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ gồm: Xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy, sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý sẽ gồm các nội dung: Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học; quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường.

“Có 4 nhóm đối tượng cần tập trung bồi dưỡng, gồm: Cán bộ quản lý sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; giảng viên cốt cán các trường sư phạm; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên phổ thông”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường sư phạm trên cơ sở nắm bắt từ các sở, phòng, cơ sở giáo dục, lắng nghe từ đội ngũ giáo viên đề xuất các chuyên đề bồi dưỡng. Chuyên đề nào cấp bách ưu tiên trước, chuyên đề nào chưa cấp bách có lộ trình, tránh bồi dưỡng dồn dập, phân tán, thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý tới tính thống nhất trong nội dung chương trình để hướng tới một chương trình dùng chung cho cả hệ thống đào tạo sư phạm, vì chính sự thiếu thống nhất đã dẫn tới khoảng cách chất lượng giữa các trường trong hệ thống thời gian qua.