19/01/2025 | 12:06 GMT+7, Hà Nội

Trong “bão” dịch AFS, thịt lợn sạch trở nên hút khách

Cập nhật lúc: 16/03/2019, 00:00

Với sự xuất hiện của dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng cũng tỏ ra cảnh giác hơn khi lựa chọn thực phẩm này. Trong khi sức mua tại chợ truyền thống đang giảm thì tại siêu thị mặt hàng thịt lợn sạch, giá cao hơn chợ truyền thống 20% nhưng vẫn hút khách mua.

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Vinmart thịt sườn 150.000 đồng/kg, trong khi chợ truyền thống 120.000 đồng/kg; nạc vai 130.000 đồng/kg, nạc thăn 119.000 đồng/kg, cao hơn giá tại các chợ dân sinh khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg...

Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, thịt lợn cốt lết có giá 100.000 đồng/kg, thịt lợn xay giá 90.000 đồng/kg, trong khi ngoài chợ chỉ khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Còn tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, giá thịt tại đây cao hơn 25 - 35% so với thịt lợn các nơi khác, hiện giá trung bình 150.000 đồng/kg.

trong bao dich afs thit lon sach tro nen hut khach
Người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua thịt lợn ở siêu thị.

Mặc dù giá bán cao hơn hệ thống chợ truyền thống nhưng sức mua mặt hàng này những ngày vừa qua vẫn tăng mạnh. Thông tin từ hệ thống các siêu thị Coop mart, Big C, Vinmart cho thấy từ khi có dịch tả lợn châu Phi sức tiêu thụ thịt lợn không bị ảnh hưởng mà còn tăng khoảng 10 - 20% so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng.

Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho biết: Trung bình mỗi ngày, hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ hơn 5 - 7 tấn và Big C cam kết sẽ không có bất cứ biến động nào về giá, số lượng trong thời gian tới.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, mặc dù mua thịt lợn trong siêu thị giá có đắt hơn so với chợ truyền thống nhưng yên tâm hơn, vì sản phẩm được các cơ quan chức năng kiểm dịch, nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, thịt lợn bán tại hệ thống siêu thị được kiểm soát từ khâu chăn nuôi tới giết mổ; các siêu thị cũng ký kết hợp tác với các DN chuyên cung cấp thịt lợn sạch, đạt tiêu chuẩn như Vissan, 3G, CP…

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 988 cơ sở điểm, giết mổ (chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp) còn lại là các cơ sở giết mổ trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Tại cơ sở giết mổ ở Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ từ 1.800-2.000 con; trong đó có 60% nhập từ các tỉnh thành phố khác về.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Minh Dương