19/01/2025 | 01:35 GMT+7, Hà Nội

Dịch tả lợn xâm nhập Việt Nam, có nên tẩy chay thịt lợn, lựa chọn thịt lợn sạch như thế nào?

Cập nhật lúc: 22/02/2019, 06:53

Dịch tả lợn xâm nhập Việt Nam, không ít người tiêu dùng hoang mang. Cách nào để nhận diện thịt lợn sạch?

Ngày 21/2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%.

Dịch tả lợn không có khả năng lây sang người

Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.

Dịch tả lợn không có khả năng lây sang người. Ảnh minh hoạ

Dịch tả lợn không có khả năng lây sang người. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, ông Phu khẳng định dịch tả lợn không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Vị chuyên gia về y tế dự phòng này cho biết dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người.

Bộ Y tế cho biết trước tình hình dịch tả lợn ghi nhận ở trong nước, hiện hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước. Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế là Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục cập nhật kịp thời tình hình.

Theo PGS Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng và mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập.

Do đó, theo các chuyên gia, dù dịch tả lợn không có khả năng lây sang người, nhưng người tiêu dùng cũng nên lựa chọn, sử dụng thịt lợn sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh.

Các món ăn từ thịt lợn được nhiều người Việt yêu thích nhưng không hề an toàn như: Nem chạo, nem sống, tiết canh sống... - những món ăn chưa được nấu chín kỹ - cũng không được khuyến khích. Đây là những món có thể khiến người nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn, gây di chứng, tử vong cao. Thậm chí, dù ăn những món này được chế biến từ lợn được nuôi "cắp nách", tại nhà... cũng vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, nếu không được nấu kỹ.

V.Thu