19/01/2025 | 13:21 GMT+7, Hà Nội

Triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Xử nghiêm người trục lợi chính sách

Cập nhật lúc: 12/05/2020, 14:06

Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành đã rà soát xong nhóm lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Làm sao để việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho nhóm lao động bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người...

Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành đã rà soát xong nhóm lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Làm sao để việc chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho nhóm lao động bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người và kịp thời là vấn đề được đặt ra.

Tập trung hỗ trợ lao động tự do, lao động dừng hợp đồng

Đến nay, 63 tỉnh, TP trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền trên 20.000 tỷ đồng. 45/63 tỉnh, TP đã rà soát xong và đang tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng dự kiến ước tính khoảng 7.630 tỷ đồng. 47 tỉnh, TP đã triển khai giải quyết tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 DN với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 7 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách tại Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg, đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động trong các DN (bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương, bị chấm dứt hợp đồng), lao động tự do.

 Chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thủy Trúc

Khi thực hiện, dù Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu 6 nhóm việc làm của lao động tự do, tuy nhiên, vẫn còn không ít thắc mắc từ phía người lao động (NLĐ), trong đó khó xác định được đúng đối tượng lao động tự do. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh phản hồi: Khi thiết kế xây dựng chính sách, Bộ LĐTB&XH xác định lao động tự do là những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom phế liệu, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, xe ôm, người bán vé số...

Để nhận được tiền hỗ trợ, đối tượng này phải đáp ứng điều kiện trước hết là mất việc, không có thu nhập hoặc thấp hơn chuẩn cận nghèo. Đối với những địa phương có chuẩn nghèo riêng sẽ áp dụng theo chuẩn riêng và NLĐ phải cư trú hợp pháp tại địa phương (thường trú hoặc tạm trú). Ngoài các đối tượng nêu trên, các địa phương có thể mở rộng thêm nhóm lao động tự do, nằm ngoài 6 đối tượng quy định. Ngân sách địa phương chi trả cho các đối tượng được mở rộng nhưng mức hỗ trợ đều nhau, mỗi người được 1 triệu đồng/tháng mất việc.

Phát huy vai trò người dân địa phương

Trong việc thống kê danh sách rà soát các đối tượng lao động để thực hiện chính sách hỗ trợ, cán bộ địa phương có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi chính quyền cấp xã là người hiểu sâu sắc nhất, rõ nhất và đồng thời phát huy được vai trò của người dân địa phương trong việc lập danh sách, cũng như kiểm tra được các đối tượng có phù hợp với chính sách hay không.

Về phía DN, phải chịu trách nhiệm về danh sách lập ra để hỗ trợ các đối tượng. Trường hợp đối tượng thuộc diện hai chính sách trở lên chỉ được hưởng một chính sách cao nhất. Với những đối tượng tự nguyện không hưởng, DN cũng phải thông tin. “Mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch từ các cấp để tránh lợi dụng, trục lợi từ chính sách này. Đồng thời, đưa ra những chế tài xử lý nghiêm vi phạm đối với những người trục lợi chính sách này, dù đó là cán bộ, công chức, người dân hay DN” – ông Thanh cho hay.

Nói rõ hơn về nội dung làm sao tránh tình trạng trục lợi khi NLĐ và DN cùng thỏa thuận kê khai để hưởng mức hỗ trợ, dù chưa đáp ứng được các tiêu chí quy định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Thanh Việt cho biết: Đối với những người tạm hoãn thực hiện hợp đồng trong DN phải đáp ứng 3 điều kiện: Thời gian tạm hoãn thực lao động và nghỉ không lương từ 1/4 - 1/6/2020; NLĐ phải tham gia BHXH ngay trước thời điểm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. NLĐ phải làm việc trong DN không có doanh thu và không có thu nhập để trả lương.

Hy vọng, trên cơ sở rà soát rất kỹ, có sự giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đồng thời có sự tham gia của người dân, việc thực hiện chính sách sẽ đảm bảo minh bạch, công khai, tránh trùng lặp đối tượng, giúp các nhóm đối tượng và DN nhanh chóng vượt qua đại dịch.