19/01/2025 | 02:05 GMT+7, Hà Nội

Thị trường bất động sản Thanh Hóa "tăng nhiệt" sau mùa dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 12/05/2020, 08:00

Sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhờ có những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, đến nay, thị trường bất động sản Thanh Hóa đang có những tín hiệu tốt, hứa hẹn sẽ lấy lại đà tăng trưởng trước đó.

Sau nhiều tháng chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Thanh Hóa đã lâm vào cảnh lao đao. Lượng hàng tồn kho nhiều, việc kinh doanh, buôn bán nhà, đất gặp rất nhiều khó khăn, các nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu do khách hàng hạn chế mua đất, nhà xây sẵn, cho thuê hoặc bán lại…

Tuy nhiên, nhờ có những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh của tỉnh Thanh Hóa, đến nay, không chỉ thị trường bất động sản mà tất cả các lĩnh vực kinh tế khác của tỉnh Thanh Hóa đang có những tín hiệu tốt, thúc đẩy thị trường dần lấy lại đà tăng trưởng trước đó.

Thị trường bất động sản du lịch Thanh Hóa tái khởi động sau dịch bệnh Covid-19.

Song song với các chính sách thu hút đầu tư, chính sách giảm thuế, giảm lãi suất ngắn hạn, cơ cấu nợ, vay mới để tiếp tục đầu tư sản xuất, tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai hệ thống hỗ trợ, gửi thư điện tử cho các doanh nghiệp để thông báo, hướng dẫn về thủ tục và sẵn sàng tiếp nhận, xử lý giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các tổ chức, cá nhân.

Do đó, trong quý I và nửa đầu quý II năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Quý I/2020, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành quý I/2020 ước đạt 21.812,1 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước là 2.818,1 tỷ đồng, tăng 6,4% so cùng kỳ; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 1.357,7 tỷ đồng, tăng 8,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.955,5 tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 10.593 tỷ đồng, tăng 8,0% so cùng kỳ...

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương quý I/2020 ước đạt 1.692,8 tỷ đồng, bằng 16,5% kế hoạch năm và tăng 4,5% so cùng kỳ. Cũng theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 đạt 9.982,6 tỷ đồng, bằng 96,2% so với tháng trước và bằng 89,5% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp 43.046,5 tỷ đồng, đạt 28,45% kế hoạch cả năm, tăng 4,6% cùng kỳ. Các ngành chăn nuôi, chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp,… lấy lại đà tăng trưởng bằng hoặc cao hơn cùng kỳ năm trước.

Trước sự tăng trưởng của kinh tế tỉnh Thanh Hóa những tháng vừa qua sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các chuyên gia bất động cho rằng, thị trường này đang dần lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh.

Ảnh minh họa.

Cũng theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Thanh Hóa đang dần lấy lại đà hồi phục, tuy nhiên, để thị trường này tăng trưởng trở lại cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy nhanh hơn nữa những chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu, tạo việc làm, tăng sức mua, giảm, hoãn thời gian nộp thuế. Giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi vay, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có có tác động đến thị trường bất động sản.

Tiếp đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp. Xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào trong tỉnh. Phát triển mạnh các khu đô thị, khu dân cư nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa những biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài muốn đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh cũng cần khuyến khích các nhà đầu tư đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện các dự án bất động sản đã được cấp phép.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường bất động sản xanh, biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng, trang trại sẽ có cơ hội lớn. Các phân khúc bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục trước hết do sự chuyển dịch sản xuất, nguồn cầu nội địa và nước ngoài thời gian tới.