19/01/2025 | 07:04 GMT+7, Hà Nội

“2 mặt” của nghề môi giới bất động sản

Cập nhật lúc: 06/05/2020, 13:15

Nghề môi giới bất động sản hiện đang rất thịnh hành. Tuy nhiên, thống kê thực tế chỉ có 5% thành công với nghề. Vậy đâu là lý do khiến nhiều người vẫn vô cùng háo hức bước chân vào nghề này?

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Reatimes tìm hiểu xem nghề môi giới bất động sản là gì, được và mất của nghề môi giới bất động sản.

Nghề môi giới bất động sản là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014: “Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản”.

Môi giới bất động sản là việc làm trung gian kết nối bên mua và bên bán.

Nhân viên môi giới là đội ngũ không thể thiếu trong kinh doanh bất động sản. Họ là người tư vấn, tiếp thị, quảng cáo bất động sản đến những khách hàng có nhu cầu. Nếu nhân viên bán hàng chỉ kiếm người mua thì nhân viên môi giới phải kiếm được cả người mua và người bán để trao đổi và tiếp nhận nhu cầu của họ, mang đến sự kết nối giữa người có nhu cầu bán đến người có nhu cầu mua.

Hiểu đơn giản, nhân viên môi giới bất động sản là người kết nối giữa bên mua và bên bán, giúp các giao dịch mua bán diễn ra thành công.

Nhân viên môi giới bất động sản làm gì?

Với kiến thức và kỹ năng của mình, nhân viên môi giới bất động sản chính là người đưa ra những tư vấn phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người mua hoặc giúp đỡ người bán bán được tài sản ở mức giá cao. Họ còn là người hỗ trợ khách hàng xử lý thủ tục, giấy tờ giao dịch nhà đất hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn.

Công việc hằng ngày của một nhân viên môi giới bất động sản bao gồm:

• Tìm kiếm khách hàng tiềm năng bằng cách tạo dựng và mở rộng các mối quan hệ xã hội, tham gia những buổi hội thảo về kinh doanh bất động sản, tiếp cận khách hàng qua điện thoại, email, hay các trang mạng xã hội...

• Cung cấp thông tin về các dự án, các chương trình khuyến mãi, đưa ra lời khuyên phù hợp với nhu cầu và ngân sách của khách hàng muốn mua hoặc giúp khách hàng muốn bán bán được nhà với mức giá cao.

• Tư vấn pháp lý, hỗ trợ khách hàng về các thủ tục giấy tờ khi ký kết hợp đồng

• Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng để tạo ra nhóm khách hàng thân thiết

• Nghiên cứu, cập nhật tình hình bất động sản. Thực hiện các hoạt động định giá, đấu giá bất động sản.

• Thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh.


“Cái được” của nghề môi giới bất động sản

Không cần bằng cấp vẫn có cơ hội việc làm

Hiện nay, thị trường bất động sản toàn quốc đang phát triển theo hướng ổn định. Các sản phẩm bất động sản được đa dạng hóa và đầu tư kỹ lưỡng hơn. Sàn giao dịch nhà đất mọc lên như nấm sau mưa.

Do đó, nhu cầu môi giới bất động sản cũng tăng cao, tuyển dụng ngành bất động sản khá dễ dàng. Nhiều nhân viên môi giới trẻ không có nhiều kinh nghiệm vẫn có thể “tay ngang” bước vào nghề. Cơ hội việc làm và thăng tiến luôn rộng mở đối với những ai muốn theo đuổi.

Thu nhập cao

Ngoài mức lương cứng, nhân viên môi giới còn có thu nhập từ tiền "hoa hồng" nếu chốt sale thành công. Tùy chính sách mỗi công ty, bạn có thể nhận thêm 2 – 5% giá trị bất động sản. Vì các giao dịch bất động sản có giá trị cao, do đó, tiền hoa hồng mà nhân viên môi giới có được cũng rất hấp dẫn.

Nếu bạn có năng lực thì cơ hội làm giàu từ nghề này là không khó.

Kỹ năng mềm

Nghề môi giới bất động sản sẽ tôi luyện bạn trở thành một người có khả năng thuyết phục người khác, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng vượt qua khủng hoảng, kỹ năng quản lý thời gian,…

Bởi sở dĩ tính chất công việc là làm việc trực tiếp giữa người với người, nên có kỹ năng mềm là điều vô cùng cần thiết. Bạn sẽ khó có thể có được một giao dịch thành công nếu như không tự tin để thuyết trình về dự án và thuyết phục người mua/ bán…

Môi trường làm việc thoải mái, thời gian linh động

Nếu bạn là người năng động, không ưa gò bó thì đây là việc làm thích hợp. Trở thành nhà môi giới, bạn sẽ không phải làm bạn với 4 bức tường và 8 tiếng mỗi ngày. Thay vào đó, bạn có thể di chuyển nhiều địa điểm để gặp khách hàng, đối tác truyền thông…

Môi trường làm việc linh động.

Nơi làm việc của bạn có thể là các quán cafe (gặp gỡ với khách hàng), các khu đô thị, chung cư (đưa khách hàng đi tham quan hoặc đi khảo sát về thị trường nhà đất…)

Mở rộng các mối quan hệ

Khách hàng bất động sản có thể đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, bạn có thể mở rộng thêm các mối quan hệ của mình. Bên cạnh đó, nếu giữ được mối quan hệ này, bạn có thể xây dựng được nguồn khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, những người tìm đến môi giới nhà đất đều có tài chính và những thành tựu nhất định trong sự nghiệp. Điều này giúp bạn có thể học hỏi được nhiều bài học cho bản thân.

"Cái khó" của nghề môi giới bất động sản

Nhiều người nuôi ước mơ theo đuổi mức thu nhập cao. Tuy nhiên làm nghề môi giới bất động sản cũng như đang đi trên con đường “dễ đi nhưng không dễ đến”. Hơn hết, đây là ngành nghề chỉ dành cho những ai có đủ bản lĩnh.

Ngoài những “cái được” thì nghề môi giới bất động sản còn tồn tại song song những khó khăn:

Tìm kiếm khách hàng

Đây là công việc vất vả nhất đối với những người làm nghề này. Khách hàng ít khi chủ động tiếp cận. Mà bạn tự tìm kiếm, gặp gỡ.

Đây là công việc vất vả nhất đối với nhân viên môi giới.

Tìm khách hàng cho những sản phẩm giá trị thấp không khó. Nhưng những căn nhà, dự án lớn mang lại "hoa hồng" cao thì không dễ dàng. Làm sao để tìm ra những khách hàng tiềm năng trong đám đông? Đó là việc mà nhân viên môi giới phải cố hết sức tìm kiếm.

Xây dựng mối quan hệ

Ở Việt Nam, kinh doanh bất động sản thường dựa trên mối quan hệ quen biết, tin tưởng. Tuy nhiên đây là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự khôn khéo và luôn tìm kiếm, đặc biệt là với người trẻ mới vào nghề.

Áp lực công việc

Làm tư vấn bất động sản đồng nghĩa với việc phải làm quen với việc đi làm cả ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính. 

Bạn có thể đầu tư rất nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu. Thậm chí phải đối mặt với những khoản vốn không thể thu hồi hay khoản nợ lớn. Nghề này cũng tồn tại rất nhiều áp lực và khắc nghiệt. Nếu không xác định rõ mục tiêu và nỗ lực, bạn sẽ dễ dàng chán nản và bỏ việc.

Vấn đề tài chính

Với người mới bắt đầu có thể phải mất 3 - 4 tháng để chuẩn bị và “vấp ngã” để có giao dịch thành công đầu tiên. Khoảng thời gian này bạn phải tốn khá nhiều chi phí để tìm kiếm khách hàng, tạo mối quan hệ…

Có thể phải mất 3 - 4 tháng để có giao dịch thành công đầu tiên.

Tất nhiên, bạn sẽ có khoản lương cứng đủ dùng cho việc tìm kiếm khách hàng. Nhưng những ai không biết quản lý tài chính sẽ dễ thâm hụt ngân sách. Và đây chính là rào cản khiến nhiều người bỏ việc trong 2 - 3 tháng đầu.

Bên cạnh đó, ngay cả những người đã có chỗ đứng trong nghề vẫn có thể đối mặt với tình trạng tài chính bấp bênh. Do nguồn thu nhập phụ thuộc rất nhiều vào tiền "hoa hồng". Nhưng không phải lúc nào cũng có hợp đồng.

Vậy phải làm gì để đối mặt với những tình huống không mong muốn trong nghề? Hãy chuẩn bị một tinh thần thép để đối mặt với những tình huống như mọi thỏa thuận đàm phán đã xong xuôi nhưng lại khách hàng lại hủy giao dịch vào phút chót hoặc khách hàng hẹn bạn nhưng khi đến nơi họ lại không tới...

Dù là nghề nào cũng tồn tại tính hai mặt. Cách duy nhất để bạn vượt qua thử thách là kiên trì và tâm huyết. Cơ hội việc làm cho ngành môi giới bất động sản luôn rộng mở nhưng đi kèm với nó là trách nhiệm lớn. Hãy chọn việc làm vì bạn đam mê, bạn thực sự hiểu nó và thấy mình có khả năng phù hợp thay vì chỉ chú tâm đến những con số về thu nhập hay vẻ hào nhoáng bên ngoài.