18/01/2025 | 14:45 GMT+7, Hà Nội

Làng nghề thực hiện “nhiệm vụ kép”

Cập nhật lúc: 04/05/2020, 16:46

Mặc dù dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, đẩy lùi, nhưng do diễn biến dịch bệnh xảy ra trên thế giới còn phức tạp, vì vậy, để thực hiện “nhiệm vụ kép” phòng chống dịch và phục hồi sản xuất (SX) đang là vấn đề...

Mặc dù dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, đẩy lùi, nhưng do diễn biến dịch bệnh xảy ra trên thế giới còn phức tạp, vì vậy, để thực hiện “nhiệm vụ kép” phòng chống dịch và phục hồi sản xuất (SX) đang là vấn đề được các làng nghề chú trọng.

 Làng nghề tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Quang Vinh

Ổn định sản xuất

Theo ghi nhận của phóng viên những ngày cuối tháng 4/2020, tại làng nghề Vạn Điểm (huyện Thường Tín), địa phương nổi tiếng chuyên SX đồ gỗ xuất khẩu. Dọc các tuyến đường điểm công nghiệp làng nghề nhận thấy lưu lượng người và xe ô tô ra vào chở sản phẩm đồ gỗ đi tiêu thụ cũng khá nhộn nhịp; cả tiểu thương và người lao động đều đeo khẩu trang, rửa tay kỹ càng, rất ý thức trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Tại cơ sở đồ gỗ Hạnh Trọng, chị Nguyễn Thị Hạnh (chủ cơ sở) cho biết, bước đầu SX trở lại, cơ sở của chị cũng chỉ bố trí một phần lao động đi làm. Đầu buổi sáng, người lao động vào xưởng SX bắt buộc phải sử dụng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang và ngồi cách xa nhau đục đẽo gỗ.

Cuối điểm công nghiệp, là xưởng SX đồ gỗ Tài Quỳnh cũng mới có 12/30 thợ đi làm trở lại. Theo anh Tài, thời gian này lo việc và lương thợ rất vất vả.

Tại làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), ông Lê Văn Thanh, chủ cơ sở SX tăm hương tầm cỡ của xã cho biết, ngày thường, cơ sở luôn có hơn 30 lao động. Do tình hình dịch Covid-19 còn tiềm ẩn, mặt khác do chưa ký được nhiều hợp đồng nên cơ sở chỉ dám bố trí 13 lao động đi làm. Quá trình SX, lao động phải nghiêm chỉnh thực hiện phòng chống dịch.

Trong khi đó, tại làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức) chuyên SX bánh kẹo và dệt kim, những ngày này tuyến đường trung tâm dẫn vào điểm công nghiệp làng nghề lưu lượng người và xe ô tô đến giao dịch vẫn còn thưa thớt. Điều này cho thấy, hoạt động SX tại các làng nghề đang từng bước ổn định để phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống người dân.

Phục hồi kinh tế

Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Hà chia sẻ: Vạn Điểm có 30 DN, 1.600 hộ làm nghề SX đồ gỗ, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động với mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/người/năm. Bất kỳ ai vào đây những ngày này đều cảm nhận thấy SX làng nghề đang hồi phục trở lại sau mùa dịch Covid-19. Những tiếng đục, chạm gỗ tí tách, hình ảnh người thợ miệt mài với công việc của làng nghề nhưng không quên nhiệm vụ phòng chống dịch bằng việc làm thiết thực cho bản thân là đeo khẩu trang, ngồi xa nhau, sử dụng nước sát khuẩn rửa tay.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công cũng cho biết, huyện có tới 78 làng nghề, trong đó 43 làng được TP công nhận làng nghề truyền thống. Đến nay toàn huyện có 474 công ty, 18 HTX hoạt động tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho 80% lao động trong và ngoài địa phương. Do vậy, để DN, người dân yên tâm ổn định SX, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ kép trong tình hình mới, vừa phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP. Qua đó, huyện chỉ đạo công ty điện lực, ngân hàng, UBND xã, thị trấn, công an triển khai một số chính sách hỗ trợ, giúp đỡ DN và cơ sở SX vượt qua thời điểm khó khăn, đảm bảo an ninh trật tự, phục hồi nền kinh tế.