22/11/2024 | 02:00 GMT+7, Hà Nội

Bảo hiểm xã hội là gì? Tại sao phải đóng bảo hiểm xã hội?

Cập nhật lúc: 12/05/2020, 09:00

Đối với hành vi không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc thoả thuận với người sử dụng lao động không nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Bảo hiểm xã hội là gì?

Theo Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014: "Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH".

Bảo hiểm xã hội dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

Thứ hai, mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

Thứ ba, người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH.

Thứ tư, quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần của BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHTN.

Thứ năm, việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH.

Trong khi tỷ lệ đóng BHXH năm 2020 không có gì thay đổi, thì mức tiền lương tháng đóng BHXH tối thiểu và tối đa thay đổi ít nhiều do mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 01/01/2020, và mức lương cơ sở được điều chỉnh từ ngày 01/7/2020.

- Mức lương đóng BHXH tối thiểu: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;

- Mức lương đóng BHXH tối đa: Bằng 20 lần mức lương cơ sở. 

Quyền của người lao động (NLĐ) khi tham gia BHXH là gì?

Theo quy định tại Điều 15 Luật BHXH, NLĐ khi tham gia BHXH có các quyền sau:

+ Được cấp sổ BHXH;

+ Nhận sổ BHXH khi không còn làm việc;

+ Nhận lương hưu và trợ cấp BHXH đầy đủ, kịp thời;

+ Hưởng BHYT trong các trường hợp: Đang hưởng lương hưu; Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Uỷ quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH;

+ Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động; yêu cầu tổ chức BHXH cung cấp về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện BHXH.

+ Khiếu nại, tố cáo về BHXH;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của NLĐ khi tham gia BHXH là gì?

  • NLĐ có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH
  • Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ BHXH
  • Bảo quản sổ BHXH theo đúng quy định
  • Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, NLĐ tham gia BHXH còn có trách nhiệm đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH, thông báo hằng tháng với tổ chức BHXH về việc tìm kiếm việc làm, nhận việc làm hoặc tham gia khóa học nghề phù hợp trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tổ chức BHXH giới thiệu.

Tại sao phải tham gia BHXH?

Thứ nhất, BHXH sẽ bảo đảm thay thế hoặc bù đắp sự thiếu hụt về thu nhập của người lao động và gia đình họ khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống khi tai nạn, ốm đau, 

Thứ hai, BHXH sẽ phân phối lại thu nhập. Chức năng này thể hiện ở việc người lao động san sẻ thu nhập theo thời gian. Cụ thể họ sẽ rút phần thu nhập từng tháng cả mình để dành cho những phần trợ cấp khi gặp rủi ro. Hay việc người sử dụng lao động cũng sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thành từng khoản tiền nhỏ tránh phải mất một khoản tiền lớn cho người lao động khi họ gặp nhiều rủi ro cùng 1 lúc. Ngoài ra, người lao động khỏe đóng góp cho người lao động ốm đau, người lao động trẻ đóng góp cho người lao động già.

Thứ ba, góp phần tạo sự tương trợ, chia sẻ giữa các nhóm người. Mỗi người lao động chỉ phải đóng một phần tiền nhỏ theo thu nhập nhưng với số lượng người lao động lớn sẽ tạo thành một quỹ bảo hiểm khổng lồ, giúp đỡ cho những người lao động gặp rủi ro. Hay việc người sử dụng lao động trích ra từ nguồn thu đóng bảo hiểm xã hội sẽ không phải lo lắng khi người lao động của họ gặp rủi ro.

BHXH mang tính chất kinh tế – xã hội, giúp cho mối quan hệ lao động ổn định, doanh nghiệp phát triển, kinh tế hưng thịnh.

Sẽ thế nào nếu không đóng BHXH?

Đối với người lao động:

Hành vi không đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc thoả thuận với người sử dụng lao động không nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đồng thời, buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

Đối với Doanh nghiệp

Ngày 16/08/2007, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2007/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó:

Phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với vi phạm không tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động (sử dụng 01 lao động vẫn phải tham gia);

Nghiêm trọng hơn sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước Giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc không có thời hạn tuỳ theo mức độ vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp truy thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc;

Chi phí chi trả lương cho người lao động sẽ không được khấu trừ vào chi phí hợp lý khi tính Thuế thu nhập doannh nghiệp nếu như chưa tham gia đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc.