19/01/2025 | 02:28 GMT+7, Hà Nội

Bảo hiểm Covid-19: “Mật ngọt chết ruồi”

Cập nhật lúc: 08/04/2020, 07:20

Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, nhiều công ty bảo hiểm đã tung ra những gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19 với mức phí rất thấp.

Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, nhiều công ty bảo hiểm đã tung ra những gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19 với mức phí rất thấp, chỉ khoảng 100.000 - 300.000 đồng/khách hàng, thậm chí chỉ 30.000 đồng/khách hàng, tùy thời gian bảo hiểm. Khách hàng có thể được hỗ trợ ngay khi xác định nhiễm Covid-19; được hỗ trợ chi phí nằm viện điều trị do nhiễm Covid-19; được chi trả từ 100 - 300 triệu đồng trong trường hợp tử vong do Covid-19... Hành động của các nhà kinh doanh bảo hiểm được nhiều người coi là linh hoạt kịp thời, sáng tạo, mang tính nhân đạo.

Thế nhưng, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19”. 

Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg. 

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia tài chính nhận định, những gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19 có vẻ nhân đạo và hấp dẫn chẳng khác... “mật ngọt chết ruồi”.

Một chuyên gia tài chính đưa ra góc nhìn rất thực tế:

Về nguyên lý, bảo hiểm được tạo ra để con người có thể bù đắp, hỗ trợ lẫn nhau khi rủi ro xảy đến. Ví dụ: Theo thống kê, hằng năm có 3 trong số 1.000 người chết. Thay vì thụ động ngồi chờ rủi ro hoặc cầu trời khấn phật mình không phải là 1 trong 3 người đó, 1.000 người này chủ động tự bảo vệ trước rủi ro bằng cách mỗi người đóng vào quỹ chung 1 đồng, tất cả được 1.000 đồng. Khi rủi ro xảy đến, 1.000 đồng sẽ được chia đều cho gia đình của 3 người chết, mỗi gia đình 333 đồng để vượt qua cơn khó khăn.

Thay vì để 1.000 người tự nguyện hợp tác, đóng góp vào quỹ chung, một công ty bảo hiểm sẽ thu mỗi người 1 đồng hằng năm và thực hiện đền bù. Đương nhiên, công ty bảo hiểm phải trích từ quỹ chung này một khoản tiền nào đó cho chi phí và lợi nhuận của họ. Dĩ nhiên, công ty bảo hiểm phải thẩm định tuổi, sức khoẻ, hoàn cảnh sống... của những người tham gia bảo hiểm để chắc chắn rằng họ có cùng mức độ rủi ro và công ty bảo hiểm “sống khỏe”.

Nếu mọi sự đều diễn ra như vậy thì chẳng có gì đáng nói. Ác nỗi, trời đâu phải lúc nào cũng chiều lòng người. Nếu xảy ra thảm họa, chiến tranh, khủng bố, đại dịch... thì con số thống kê 3 người tử vong trên 1.000 người sẽ... sai bét, có thể lên đến 30, 300, thậm chí cao hơn nữa, việc đền bù của công ty bảo hiểm là “nhiệm vụ bất khả thi”. Chỉ cần lấy 333 đồng nhân với 30 người thôi, công ty bảo hiểm ắt “tử vong” ngay lập tức.

Vì thế, theo nguyên tắc, thông lệ chung, các công ty bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra những sự kiện bất khả kháng như thảm họa, chiến tranh, khủng bố, đại dịch...

WHO đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tuyên bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Như vậy, những rủi ro do đại dịch Covid-19 sẽ được xem là “loại trừ bảo hiểm”. Khi đó các công ty bảo hiểm hoàn toàn có quyền từ chối bồi thường đối với các trường hợp tử vong, tai nạn, hậu quả do Covid-19 gây ra, dù đã thu phí bảo hiểm. “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Khôn nhưng không ngoan!

Cổ nhân nói: Với kẻ thông minh, tài trí, cái đức không thể không cho thiên hạ biết, cái trí càng không thể không giấu thiên hạ. Trước khi mua bảo hiểm, khách hàng cần phải biết cả “cái đức” lẫn “cái trí” của người kinh doanh bảo hiểm nếu không muốn sa vào rủi ro, tử vong trong đĩa mật ngọt!