19/01/2025 | 02:20 GMT+7, Hà Nội

Tranh cãi sổ đỏ dinh thự "Vua Mèo": Nhìn lại nhà công tử Bạc Liêu

Cập nhật lúc: 23/08/2018, 11:31

"Không thể đương nhiên coi việc tự tiện công nhận di tích cho ngôi nhà gia đình đang sinh sống để đồng nhất với việc đã xác lập quyền sở hữu nhà nước, hay sở hữu tập thể đối với tài sản vốn là sở hữu tư nhân theo kiểu đã "quốc hữu hóa" quyền sở hữu ngôi nhà của những người được thừa kế hợp pháp".

Liên quan đến việc ông Vương Duy Bảo (cháu nội "Vua Mèo" Vương Chí Thành) có đơn đề nghị làm rõ quá trình và căn cứ cấp sổ đỏ mảnh đất gắn với tòa dinh thự họ Vương (Hà Giang), Reatimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về vấn đề này.

Theo luật sư Tám, trong sự việc này cần phải xác định ai là chủ sở hữu tòa dinh thự họ Vương, từ đó có căn cứ để cấp sổ đỏ. "Dù cho di tích ấy có mang giá trị lịch sử - văn hóa thì Sở TN-MT Hà Giang cũng không thể cấp sổ đỏ cho phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn được. Cấp như vậy là sai", ông Tám nhấn mạnh.

Dinh vua Mèo.

Dinh "Vua Mèo".

Luật sư Trương Xuân Tám lấy ví dụ, có những cá nhân sở hữu bộ hiện vật cổ, rất có giá trị về lịch sử - văn hóa, thậm chí được công nhận là di sản văn hóa nhưng Nhà nước vẫn phải công nhận quyền sở hữu cho những cá nhân đó. Chỉ có điều, người sở hữu những hiện vật này không được tự ý mua bán trao đổi, mang hiện vật ra khỏi đất nước.

Vị luật sư lưu ý, trừ trường hợp những công trình cổ thuộc sở hữu cá nhân nhưng mang nhiều giá trị văn hóa - lịch sử cần được bảo tồn một cách nghiêm ngặt, thì Nhà nước sẽ bỏ tiền ra mua để làm di tích lịch sử - văn hóa, như vậy mới thành sở hữu của Nhà nước.

Không thể đương nhiên coi việc tự tiện công nhận di tích cho ngôi nhà gia đình đang sinh sống để đồng nhất với việc đã xác lập quyền sở hữu nhà nước, hay sở hữu tập thể đối với tài sản vốn là sở hữu tư nhân theo kiểu đã "quốc hữu hóa" quyền sở hữu ngôi nhà của những người được thừa kế hợp pháp.

"Bộ Luật Dân sự đã quy định rõ các căn cứ để xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất, công trình. Ngoài ra, luật còn quy định rõ đối với các hình thức mua, bán hoặc hiến tặng.

Không phải cứ công trình nào có giá trị lịch sử - văn hóa thì chủ nhân của nó bị hạn chế quyền sở hữu, họ có quyền thừa kế, có quyền được hưởng lợi ích vật chất từ công trình đó.

Về nguyên tắc, nếu cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho một đối tượng khác mà không nhận được sự đồng ý của dòng họ, những người thừa kế hợp pháp của chủ sở hữu thì sẽ là trái pháp luật', luật sư Trương Xuân Tám phân tích.

Luật sư Trương Xuân Tám.

Luật sư Trương Xuân Tám.

Nút thắt xoay quanh sự việc liên quan đến dinh thự họ Vương chính là việc, cả Sở TN - MT Hà Giang và ông Vương Duy Bảo đều có lý lẽ riêng của mình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng đang tồn tại một lỗ hổng pháp lý liên quan các điều khoản về di tích lịch sử - văn hóa hay cơ quan chức năng đã làm sai?.

Luật sư Tám nhận định, không có lỗ hổng pháp lý trong vụ việc này, mỗi một tài sản đều có điều kiện, đặc điểm về quyền sở hữu riêng nên có lẽ cơ quan chức năng chưa tính hết.

"Xin nhắc lại một lần nữa, việc đầu tiên là phải xác định rõ loại hình sở hữu, ai là sở hữu, nếu là sở hữu tư nhân thì không thể cấp đối tượng khác được. Trong trường hợp, di tích lịch sử - văn hóa chưa thuộc quyền sở hữu của cá nhân hay tổ chức nào thì cơ quan chức năng sẽ cấp quyền sở hữu cho tổ chức đang quản lý di tích đó. Tổ chức quản lý di tích sở hữu nó nhưng không được quyền tự do mua bán.

Có bốn hình thức sở hữu bao gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu của tập thể; sở hữu của tư nhân; sở hữu chung hỗn hợp. Trường hợp dinh thự họ Vương là thuộc sở hữu tư nhân thì việc cơ quan chức năng cấp quyền sở hữu cho phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn là sai luật.

Ngay cả tòa nhà của công tử Bạc Liêu hiện nay là công ty du lịch xác lập quyền sở hữu, nhưng trước đó cũng phải trải qua quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, công ty du lịch cũng đã có thỏa thuận, bồi thường cho gia đình sở hữu tòa nhà của công tử Bạc Liêu, chứ không phải tự ý xác lập quyền sở hữu', ông Tám nói.

Để có thể bảo tồn di tích lịch sử, vừa đảm bảo đúng pháp luật hiện hành, tránh những trường hợp tương tự như vụ việc tại tòa dinh thự họ Vương, Luật sư Tám cho rằng, cần phải có một cuộc thương lượng, thỏa thuận làm sao cho thật hài hòa giữa ông Vương Duy Bảo và cơ quan quản lý.

Trong trường hợp cơ quan quản lý muốn sở hữu tòa dinh thự họ Vương thì phải có đền bù thỏa đáng, nếu không cơ quan quản lý phải trả lại quyền sở hữu cho người thừa kế hợp pháp của "Vua Mèo". Câu chuyện sau đó sẽ do cơ quan quản lý và chủ sở hữu di tích thỏa thuận với nhau dựa trên pháp luật hiện hành.