19/01/2025 | 06:08 GMT+7, Hà Nội

Cẩn trọng khi ghi vào sổ đỏ!

Cập nhật lúc: 30/11/2017, 11:27

Từ lâu nay, tấm giấy mang danh “sổ đỏ” với nhiều gia đình luôn luôn là tài sản lớn, thậm chí là tài sản lớn nhất, dễ gây ra tranh chấp khiếu kiện nhất trong nhiều quan hệ dân sự, kể cả trong quan hệ ruột thịt.

Bắt đầu từ 05/12/2017, cuốn sổ đỏ của các hộ gia đình không còn chỉ ghi tên chồng và vợ nữa mà phải ghi tất cả các thành viên có chung quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đó là điều bắt buộc tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT mà Bộ TN&MT mới ban hành.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về cả lý lẫn tình mà nói, sự minh bạch về tài sản, kể cả trong một gia đình, là rất cần thiết, bởi lẽ lúc ấm êm thì không sao, nhưng lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” ắt sinh ra tranh chấp, mất anh mất em.

Tuy nhiên, riêng với cái sổ đỏ lại có tính đặc thù khác với nhiều tài sản khác như các cụ nói “rau có mớ, cá có con”. Bởi lẽ đây là tờ giấy chứng nhận pháp lý về quyền sử dụng đất và tài sản trên đất...

... Đó là khối tài sản khổng lồ không dễ dàng phân chia, kiểm đếm và cũng ít có cơ hội bắt buộc mỗi hộ gia đình phải phân chia, kiểm đếm. Tiếp nữa, đây là loại tài sản có khả năng tiếp tục “sinh sôi” theo thời gian và theo sự đầu tư về tiền bạc, công sức của từng thành viên trong gia đình.

Nay, theo quy định mới, các thành viên này lại được điền tên “ngang vai” nhau trong một giá trị tài sản khổng lồ. Đó là điều mà các hộ gia đình và các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ lưỡng và hết sức cẩn trọng khi ghi các thành viên này vào cuốn sổ đỏ. Nếu không khéo, sẽ “mất anh mất em” ngay từ lúc cuốn sổ đỏ về tới gia đình.

Nhân đây, xin lưu ý là theo Điều 212 khoản 2 của Bộ luật Dân sự, “việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, bất động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

Vì thế, các cơ quan chức năng không thể quyết định “giúp” các hộ gia đình trong sự thỏa thuận này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận xét: “Chúng ta đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, vì thế, nếu một quy định mới đưa ra lại thêm những thủ tục phiền hà cho người dân và gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi thì tôi cho rằng cần có sự nghiên cứu kỹ càng để pháp luật thực sự đi vào đời sống”.