Biệt thự cổ Hà Nội: Đêm ngày đối phó với “thần chết”
Cập nhật lúc: 22/08/2018, 15:00
Cập nhật lúc: 22/08/2018, 15:00
Những ngôi biệt thự được xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội không chỉ có giá trị lớn về kinh tế, mà còn hàm chứa những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử đối với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, trên thực tế, những căn biệt thự này đang xuống cấp, xập xệ,… tới mức báo động.
Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, hiện nay quỹ nhà biệt thự trên địa bàn Thủ đô còn khoảng 1.253 căn cần bảo tồn, tôn tạo, tập trung chủ yếu tại các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Trong đó, qua phân loại, có đến 312 biệt thự là các công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị về kiến trúc, các biệt thự xây dựng sau năm 1954, các biệt thự đã bị phá dỡ trước khi có Nghị quyết 18.
Có không ít biệt thự tọa lạc tại vị trí đắc địa trên những con phố lớn như Hoàng Hoa Thám, Triệu Việt Vương, Tăng Bạt Hổ, Trần Quốc Toản… khiến không ít người xót xa, tiếc nuối.
Biệt thự ở số 8, phố Tăng Bạt Hổ là một trong những căn nhà “chờ sập”, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Được xây từ năm 1920, tính đến nay, căn biệt thự gần 100 năm tuổi, nhưng vẫn "oằn mình" với cuộc sống của 17 hộ gia đình.
Tường nứt nẻ và bong tróc, cầu thang xập xệ, quang cảnh nhếch nhác,… khiến cho mọi người không khỏi bất an. Ngôi nhà này nằm trong diện được bảo tồn nên người dân không được cải tạo lại, chỉ được sửa một cách tạm bợ để đối phó với “thần chết”.
Chị N.T.L, người dân sống tại đây cho biết: “Tôi vô cùng lo lắng. Căn nhà này đã quá cũ kỹvà xuống cấp. Lại cộng thêm việc nhiều hộ gia đình sinh sống, nên gây sức ép lớn lên căn biệt thự. Cũng chẳng biết nó sẽ sập lúc nào nữa”.
Người dân tại ngôi biệt thự cổ số 47 Trần Quốc Toản cũng đang phải sống chung từng ngày với nỗi sợ hãi do căn nhà hiện đang rơi vào tình trạng ngả nghiêng đến 15 độ. Bà Nga chia sẻ, khi chuyển đến đây từ năm 1967 thì nhà đã nghiêng sẵn và cho đến bây giờ vẫn chưa được tu sửa lần nào.
Tường nhà nứt, bong tróc, gạch, vữa lộ ra. Cầu thang gỗ ọp ẹp. Mái ngói dột nát, nhiều thanh gỗ bị mọt…, nhưng không thấy cơ quan chức năng đến thẩm định chất lượng, xác định mức độ nguy hiểm. Những người dân chưa có điều kiện di chuyển đến nơi ở mới, đành chấp nhận tình cảnh này.
Càng lên cao độ nghiêng càng lớn. Cửa sổ gỗ của ngôi nhà bị lệch không đóng, mở được. Để tránh nghiêng, đổ đồ đạc trong nhà, người dân phải dùng gạch đá kê chân lấy thăng bằng. Nhiều gia đình còn buộc cố định quạt cây, lọ lục bình, tủ lạnh… vào tường hoặc cửa cho đỡ lo.
Trên thực tế, từ vài năm nay, tình trạng biệt thự cổ xuống cấp, biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm đang diễn ra tràn lan, điển hình tại các phố như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Thái Học,...
Ở nhiều ngôi biệt thự cổ, người dân vì nhu cầu sinh hoạt đã phải sửa chữa, phá một phần hoặc phá đi xây lại các ngôi biệt thự này khiến tình trạng xuống cấp ngày càng nhanh chóng, các đường nét kiến trúc cũng hoàn toàn bị phá hủy.
Không ít ngôi biệt thự cũ bị biến dạng cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài và mục đích, công năng sử dụng. Đa phần tầng một những ngôi nhà đã được cải tạo, sửa chữa thành hàng quán, phần trên thì tận dụng tối đa các diện tích để làm nơi ở, chỗ để đồ…
Nhất là những biệt thự do nhiều hộ gia đình cùng sử dụng hoặc đan xen giữa nhà dân và cơ quan, càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Có tới 50% số biệt thự có từ5 - 10hộ sinh sống, 40% có từ 10- 15 hộ, cá biệt có biệt thự có tới 35 - 40 hộ dân sinh sống.
Đơn cử, tại ngôi biệt thự số 47 phố Phan Bội Châu có gần mười hộ gia đình đang sống trong một không gian chật chội, nhếch nhác, cũ kỹ. Để có đủ chỗ sinh hoạt, các hộ dân buộc phải cơi nới, tận dụng hành lang, khu sân chung để làm chỗ ở, xây thêm khu vệ sinh, nhà tắm, khu bếp…
Khu đất số 47 phố Trần Quốc Toản có khuôn viên rộng hơn 400m2, nằm ở góc phố Trần Quốc Toản và Trương Hán Siêu, bề mặt thoáng đãng, tầm nhìn rộng. Các kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế căn biệt thự có kiến trúc đẹp, bốn mặt đều có không gian thoáng, cao hai tầng, có tầng hầm, mái lợp ngói đỏ, chung quanh có hàng rào bảo vệ, cổng.
Tuy nhiên, hiện tại, căn biệt thự này xuống cấp nặng nề, người dân cơi nới thêm các chuồng cọp,… để phục vụ mục đích sinh hoạt khiến cảnh quan kiến trúc của khu biệt thự đã bị biến dạng.
Biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Biệt thự xây trước năm 1954, thuộc diện bảo tồn nhóm 2 nên người dân phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài.
Thế nhưng, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, người dân đã tự ý cơi nới, “hô biến” ra công trình phụ, chỗ nấu ăn,… khiến cho kết cấu ngôi nhà bị thay đổi, dẫn đến sự xuống cấp ngày càng nhanh chóng hơn.
Biệt thự số 32 phố Trương Hán Siêu đã bị phá bỏ để xây nhà cao tầng, khiến cho biệt thự số 34 sát bên cạnh lọt thỏm giữa khối nhà cao tầng. Hệ thống tường rào bảo vệ của các biệt thự đã bị phá bỏ.
Không gian phía trước, phía sau, bên cạnh tòa nhà đều bị các hộ dân lấn chiếm, cơi nới biến thành nhà ở, ki-ốt bán hàng, nhà bếp, nhà vệ sinh… khiến cho không gian các biệt thự bị phá vỡ, chật chội và nhếch nhác.
Sở QH-KT Hà Nội đã dựa vào chất lượng và công năng sử dụng để phân biệt thự kiến trúc Pháp thành 4 loại. Các ngôi biệt thự sẽ được xếp vào hạng biệt thự nguy hại nghiêm trọng hoặc biến dạng hoàn toàn về kiến trúc. Đồng thời, nhiều giải pháp được nêu ra nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vậy, trong câu chuyện này, trách nhiệm thuộc về ai? Phải chăng là do chính quyền và cơ quan chức năng đã có sự buông lỏng trong quản lý biệt thự cũ?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin…
23:31, 16/08/2018
15:40, 31/07/2018
00:15, 05/07/2018
14:33, 02/03/2018
09:25, 07/01/2018
14:30, 08/11/2017
21:00, 26/10/2017