19/01/2025 | 11:47 GMT+7, Hà Nội

Trà, cà phê, nước mắm... của Việt Nam bị giả mạo tại Mỹ

Cập nhật lúc: 05/04/2019, 16:00

Trà, cà phê, nước mắm... giả mạo hàng Việt Nam là ba sản phẩm mà cơ quan chức năng Mỹ từng gặp. Cần phải có những hướng giải quyết thích đáng, để thế giới không hiểu lầm Việt Nam...

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ An Ninh Nội địa Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM… đã tổ chức Hội thảo Khu vực châu Á về Phòng chống Buôn bán Thực phẩm, thức uống, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng nhanh giả mạo.

tra ca phe nuoc mam cua viet nam bi gia mao tai my
Toàn cảnh hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Peter Folwer cho biết, nước mắm, trà, cà phê… giả mạo hàng Việt Nam là 3 sản phẩm mà cơ quan chức năng Mỹ từng gặp. Chủ yếu những mặt hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập vào Việt Nam, đóng bao bì nhãn mác tại Việt Nam, ghi sản xuất từ Việt Nam rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứ không phải là hàng của Việt Nam.

Tại Mỹ, khi phát hiện hàng giả xuất hiện, cơ quan chức năng Mỹ sẽ thông báo cho chủ thể hợp pháp để họ có biện pháp như xác minh lại sản phẩm đó. Khi chủ thể được thông báo, họ có thể sử dụng thông tin đó để có những biện pháp phù hợp như truy nguồn gốc, kiểm chứng sản phẩm, tìm ra xuất xứ ở đâu họ tự điều tra lấy để tự bảo vệ mình.

Việc hàng hóa Việt bị làm giả, làm nhái là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu…Điều này đặt ra câu hỏi, các cơ quan hữu quan có lơi lỏng trong quản lý, dẫn đến sản phẩm của Việt Nam bị làm giả ngay tại trong nước?

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình hỗ trợ DN đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa đưa ra nước ngoài theo hướng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Rất nhiều nhãn hiệu hàng hóa đã được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.

Việt Nam rất quan tâm đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo bộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng rất lo ngại tình trạng hàng hóa giả mạo từ các nước khác nhập khẩu về Việt Nam sau đó gắn nhãn mác Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, sẽ làm mất uy tín của Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ.

Ngoài việc doanh nghiệp Việt Nam có những biện pháp bảo vệ riêng sản phẩm của mình, hạn chế bị làm nhái, làm giả thì trách nhiệm của các đơn vị như Cục quản lý cạnh tranh, Cục sở hữu trí tuệ, Quản lý thị trường…cũng phải đặt lên hàng đầu, nhằm bảo vệ các sản phẩm thương hiệu Việt ngay trong nước. Có những hướng giải quyết thích đáng, để thế giới không hiểu lầm Việt Nam là nơi có nguy cơ của hàng giả.

Minh Dương