19/01/2025 | 15:16 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo đà phát triển kinh tế

Cập nhật lúc: 04/11/2022, 13:42

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM, để tạo đà phát triển kinh tế cho năm 2023, trong những tháng còn lại của năm 2022, TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc còn tồn tại thời gian qua.

Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tháng 10/2022, các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 4 ngành trọng điểm (sản xuất hàng điện tử; hóa dược - cao su - nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí) ước tăng 22,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 13%).

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có sự gia tăng mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tháng ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 6,23% so với tháng trước.

Về thu ngân sách, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM Nguyễn Trần Phú thông tin, tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 392.790 tỉ đồng, đạt hơn 101% dự toán năm và tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, ngành tài chính thành phố tiếp tục điều hành thu chi ngân sách chặt chẽ, chủ động. Cụ thể như tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tập trung xác định số kết dư ngân sách quận, phường; tiếp tục rà soát và đề nghị các cơ quan, đơn vị đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 67/2021.

TP. HCM tập trung tháo gỡ những khó khăn tồn tại trong năm 2022 để tạo đà phát triển kinh tế năm 2023
TP. HCM tập trung tháo gỡ những khó khăn tồn tại trong năm 2022 để tạo đà phát triển kinh tế năm 2023

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở cũng đã có báo cáo tình hình nổi bật trong tháng vừa qua. Đáng chú ý, Thành phố vừa khai trương Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính và hoàn thành Dự án diễn tập phòng thủ DT-22 vào cuối tháng 10. Dù chưa có báo cáo chính thức nhưng nhìn chung, các hoạt động này được đánh giá sơ bộ là thành công, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, vẫn còn tồn tại một số thách thức như: nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm; thị trường chứng khoán ảm đạm; tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng; công tác bồi thường, thu hồi, đấu giá đất, khai thác, quản lý và bảo vệ các khu đất gặp một số hạn chế, tồn tại nhất định; việc tham mưu sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối hoặc chuyển đổi hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ toàn phần đạt tỷ lệ chưa cao;…

Đặc biệt, nổi lên là nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xăng dầu. Về vấn đề nóng được nhiều người dân quan tâm này, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, tính đến trưa nay (1.11), TP có 108/550 cửa hàng xăng dầu hết xăng, chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Nguồn cung xăng dầu tại TP. HCM thiếu hụt một phần do một đơn vị đầu mối lớn bị rút giấy phép. Ngoài ra, cơ chế điều hành chưa đảm bảo lợi ích các bên trong chuỗi cung ứng, phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. 

Theo ông Vũ, khác với Hà Nội và các tỉnh thành khác, thị trường xăng dầu TP. HCM có tỉ trọng lớn của khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 25% thị phần. "TP. HCM hy vọng trong điều hành giá xăng dầu tới, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ ghi nhận đầy đủ chi phí để có giải pháp điều hành ổn định hơn. Còn hiện tại, mỗi kỳ điều hành giá xăng dầu đều gây sốc thị trường, khiến nhu cầu của người dân chưa được đáp ứng thuận lợi", ông Vũ cho biết.

Khắc phục khó khăn, giải phóng nội lực

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM ông Phan Văn Mãi, điểm sáng của TP. HCM là tăng trưởng 10 tháng đạt 9,97%, dự báo trong năm 2022 khả năng đạt 9,44%, cao hơn chỉ tiêu đề ra, thu ngân sách đến nay đã đạt 101% dự toán năm…

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng của sự phục hồi kinh tế - xã hội, vừa qua TP. HCM xuất hiện các tình huống bất lợi. Đơn cử như vụ ngân hàng SCB ảnh hưởng rất nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản. Vấn đề xăng dầu tạo ra tâm lý bất an cho người dân. Xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, tình hình thế giới ảnh hưởng đến TP. HCM... Một vấn đề nữa là giải ngân đầu tư công rất thấp mới 27% (trong khi cả nước gần 50%). Các vướng mắc chưa được giải quyết, việc thực hiện quy chế phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan, từng cán bộ công chức chưa cao…
Chính vì vậy, ông Phan Văn Mãi đề nghị, trong tháng 11, từng sở, ngành, quận huyện rà soát các chỉ tiêu của năm, đánh giá đúng thực chất để xác định cho được chủ đề trọng tâm năm 2023 là tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát huy kinh tế nội địa. Cùng với đó, rà soát đầu tư công, phân bổ lại nguồn lực để bố trí các dự án trọng điểm, xây dựng đề án huy động nguồn vốn xã hội, hoàn thiện tiêu chí thu hút đầu tư FDI. Ngoài ra, tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, doanh nghiệp, phát huy nội lực của doanh nghiệp, tập trung các giải pháp hỗ trợ sản xuất…

"Chúng ta tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng thêm nữa nội lực của chúng ta để tạo ra sự phát triển, trong điều kiện các tác động bên ngoài còn khó khăn. Chúng ta tập trung thực hiện các nhiệm vụ còn lại của năm, xây dựng kế hoạch năm sau cho tốt, tạo đà để có thể tăng tốc phát triển. Nếu không tăng tốc được thì cũng không làm cho tình hình xấu đi, giữ được nhịp như năm 2022", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-thao-go-kho-khan-vuong-mac-tao-da-phat-trien-kinh-te-72994.html