04/12/2024 | 01:00 GMT+7, Hà Nội

Tôi để Hà Nội ở phía sau

Cập nhật lúc: 02/09/2018, 01:00

Và khi đã chán những phố xá bóng loáng xa xỉ sáng rực rồi, thì thôi, ta về. Ta đi qua cây cầu cũ kĩ hơn một trăm năm tuổi, để về nhà. Bỏ Hà Nội ở phía sau. Nhẹ nhõm, giản đơn, thanh thản biết mấy...

Chính tôi đôi khi cũng cảm thấy khó tin là tôi đã quyết định mua một căn hộ ở Mipec Riverside chỉ trong... 15 phút. Tôi cho rằng, cảm giác ban đầu về một căn nhà vô cùng quan trọng. Giống như là trực giác mách bảo bạn về phẩm chất, cá tính của một người nào đó mà bạn gặp lần đầu tiên, nó thường khá chính xác.

Khi tôi nghĩ đến việc mua một căn chung cư, tôi chỉ có một mình, và tôi rất sợ phải nhận những căn hộ xây thô, sau đó phải hoàn thiện. Vì tôi chẳng biết gì về xây dựng cả. Nhưng mà ở đây, mọi thứ đã đâu vào đấy. Hơn thế, tôi thấy ưng ý lập tức với gần như tất cả mọi thứ.

Màu sơn, sàn, cửa, thiết kế, thậm chí là màu nội thất. Và tuyệt vời nhất, đứng từ phòng khách tôi có thể nhìn ra cả một đoạn dài sông Hồng, mênh mông, ngầu đỏ. Tôi luôn yêu sông. Vì tôi sinh ra, lớn lên bên một con sông. Và vì cái cuộc sống xoay vần đến chóng mặt này, tôi đã rời xa nó.

Những đoàn tàu từ miền ngược về Hà Nội, và từ ga Long Biên rời Hà Nội để đi...

Những đoàn tàu từ miền ngược về Hà Nội, và từ ga Long Biên rời Hà Nội để đi...

Chúng tôi có hai phòng ngủ, và một phòng khách. Một balcony, hơi nhỏ. Tôi kê ở đó một chiếc bàn gấp, cũng nhỏ. Và trồng một ít cây xanh, cũng nhỏ nốt. Đây là nơi mà tôi có thể ngồi cả một buổi sáng, nghe nhạc, uống trà, đọc sách, làm việc. Ngồi ở đó, nghe gió lao xao, và, nghe tiếng những đoàn tàu.

Những đoàn tàu từ miền ngược về Hà Nội, và từ ga Long Biên rời Hà Nội để đi. Cứ ngang qua chân toà nhà lại cất lên vài hồi còi. Tiếng tàu, tiếng còi đều bị giảm thanh đi rất nhiều vì tôi ngồi tít trên tầng 34, gần nóc toà nhà. Và cũng vì thế mà nó có cái gì đấy mộng mị, hư ảo, như trong một bộ phim.

Có những ngày tôi bị gọi dậy sớm bởi cái quầng hồng rực ở phía đông hắt vào qua cửa kính. Mặt trời còn lâu mới lên, nhưng cái quầng ban mai tuyệt diệu ấy đã tạo ra trên bầu trời một bức tranh có thứ màu sắc quyến rũ như hình ảnh được tạo ra từ bảng màu của phần mềm photoshop.

Tôi nhoài người ra balcony để nhìn về hướng ấy. Không thể tin nổi, là trong chính cái khoảnh khắc ấy, một đoàn tàu đang xuyên qua đường chân trời, hay là chui ra từ đấy, và bắt đầu cất lên những hồi còi. Những hồi còi chào bình minh, và chào Hà Nội. Một lời chào đầy mộng mơ cho ngày mới đang đến.

Tôi luôn có cảm giác thế này, và nó lặp đi lặp lại hàng ngày, chưa bao giờ tôi thấy là nó không tồn tại. Đấy là sau mỗi ngày làm việc, tôi đi qua cầu Long Biên để về nhà. Càng đi về phía bờ bắc của dòng sông, thì cảm giác để lại Hà Nội ở sau lưng càng rõ rệt.

Tôi đang tạm biệt một Hà Nội ồn ào, chật chội, bụi bặm, mệt nhọc, áp lực, để về một nơi yên bình, thân ái, với những cơn gió lộng vô cùng phóng khoáng, thoáng đãng. Ngày nào tôi cũng chào Hà Nội vào buổi sáng, và tạm biệt Hà Nội vào buổi chiều.

Tôi ở Hà Nội mà như không phải. Hà Nội đủ gần, chỉ mười lăm phút để tới Nhà hát Lớn xem một vở kịch; và Hà Nội cũng đủ xa để tôi không phải nghẹt thở vì khói bụi, tiếng ồn, tắc đường.

Bạn tôi kể, mỗi lần có việc để vào trong phố, bố mẹ bạn lại nói: Ngày mai mình sang Hà Nội. Ôi chao ôi, Hà Nội ngay đấy, mà nghe xa xôi biết bao nhiêu. Cái câu “ngày mai mình sang Hà Nội” ấy, thương mến biết bao nhiêu. Hà Nội gần đến thế, ở ngay trong nó, mà vẫn có gì đấy xa xỉ, lạ lẫm.

Mỗi lần chuẩn bị “sang Hà Nội” thì áo quần phải tươm tất, mũ nón đầy đủ, diện mạo phải sáng sủa. Khác gì ở thôn xóm lên tỉnh lỵ, huyện lỵ. Còn hơn thế. Nhưng, thật tuyệt là ở chỗ, nghe thì xa xôi, chuẩn bị thì mất thì giờ, nhưng đi thì chỉ một thoáng. Qua cầu, xuôi xuống dốc, rẽ phải là lọt ngay vào một trong những “phố hàng” đông đúc nhất: Hàng Khoai, nằm sát chợ Đồng Xuân. Thế mà, nghe thì sao mà xa. Thật là xa.

Và khi đã chán những phố xá bóng loáng xa xỉ sáng rực rồi, thì thôi, ta về. Ta đi qua cây cầu cũ kĩ hơn một trăm năm tuổi, để về nhà. Bỏ Hà Nội ở phía sau. Nhẹ nhõm, giản đơn, thanh thản biết mấy. Đi xe máy cũng được, đi xe đạp cũng được, mà đi bộ cũng xong. Có nơi nào rời khỏi Hà Nội đơn giản, nhanh chóng đến thế không?

Ngày nào tôi cũng từ tốn – vì từ cơ quan về nhà quá gần, nên chẳng việc gì phải vội – đi qua cây cầu, trong dòng xe như trôi, ngắm những khoảnh hoa màu dưới bãi, thi thoảng lại có một đụn khói nhà ai đó đốt cỏ giữa mảnh đất vừa làm sạch, thi thoảng thấy một vài đứa trẻ đeo chiếc can nhựa ở lưng và nhảy tùm xuống sông.

Và những chiếc sà lan đầy ứ, luôn là đầy ứ than hoặc cát, như thể sắp chìm nghỉm đến nơi, lừ lừ ngược xuôi trên mặt nước mênh mông. Trên cầu, ở vài chỗ rộng rãi, những người phụ nữ lam lũ bày bán một ít cá các loại, có lẽ là vừa đánh bắt được dưới sông trong buổi chiều.

Những chú cá còn đang quẫy trong cái mẹt nhỏ. Một chiếc xe đạp chở ngô vừa hái, ổi còn nguyên cả cành lá, nhãn căng mọng, rau bí dài xanh mướt, rau tập tàng còn dính vài hạt cát dưới bãi...

Tôi đi về nhà tôi. Đi qua sảnh toà nhà và bắt gặp cô bé lễ tân vẫn kiên nhẫn ngồi sau quầy từ sáng, lúc tôi rời nhà đi. Cô bé mỉm cười: Hôm nay chị về sớm ạ? Đi đến trước cửa kính để vào thang máy, cậu thanh niên mặc đồng phục xanh có gương mặt giống như một sinh viên chưa tốt nghiệp đứng vụt dậy khi thấy tôi khệ nệ xách túi to túi nhỏ.

Một nụ cười thân thiện: Chị để em giúp. Ai đó sẽ nói rằng, cô cậu ấy được trả lương để làm những việc đó. Tôi thì nghĩ rằng, dù là trả lương, thì người ta cũng không thể giả tạo một nụ cười. Động tác có thể như robot, nhưng nụ cười thì không. Đơn giản là, trong công việc nào cũng thế, vui với nó luôn tốt hơn là làm cho xong trách nhiệm.

Ta đi qua cây cầu cũ kĩ hơn một trăm năm tuổi, để về nhà. Bỏ Hà Nội ở phía sau.

Ta đi qua cây cầu cũ kĩ hơn một trăm năm tuổi, để về nhà. Bỏ Hà Nội ở phía sau.

Khi tôi về nhà, thì hoàng hôn đang buông trên sông Hồng. Những dải hồng buổi sáng ở phía đông giờ dịch chuyển sang màu tím ở phía tây.

Tôi thích nhất khoảng thời gian này trong ngày. Các con vừa đi học về, mẹ đi làm về, rau củ thịt cá còn để trong bồn rửa, chuẩn bị cho bữa tối. Hai con sẽ bật một bản nhạc nào đó mà chúng thích. Chúng tôi mở hết các cánh cửa. Một cơn gió rất dài, dài như vô tận, xuyên qua căn nhà từ hành lang ra ban công, và nó quét đi sạch sành sanh những ngột ngạt của cả một ngày trời căn nhà bị khoá kín. Chúng tôi nhìn xuống thành phố đang bị che phủ dần bởi màn đêm. Dưới đấy, những bóng đèn bắt đầu sáng, và dần giống như sao trên bầu trời. Nhấp nháy không ngừng.

Và dòng sông, dòng sông vĩ đại đang từ từ biến mất. Dấu vết của nó, vị trí của nó, sẽ chỉ còn được xác định bởi những cây cầu. Từ nhà tôi có thể nhìn thấy 4 cây cầu: Chương Dương, Long Biên, Đông Trù, Nhật Tân. Tôi nhận ra, tôi mua căn nhà này thực ra là tôi đã mua một tầm nhìn.

Một tầm nhìn rộng mở, không có vật cản, đêm có thể ngắm sao trời, ngày có thể nhìn thấy những chuyến bay vừa cất cánh... Những điều mà 8 lần chuyển nhà trước chưa bao giờ có được.

Và ở đây, tôi có một triền đê dài, tuyệt đẹp. Tôi mua một chiếc xe đạp. Sau 20 năm ở Hà Nội, tôi mới đi xe đạp trở lại. Sáng dậy sớm, lấy xe và đạp dọc con đê. Chỉ cần đi ra khỏi hầm để xe chừng hơn trăm mét là lên tới đê. Một con đê dài, rất, rất dài. Mặt đê phẳng lì, và triền đê đầy cỏ. Cỏ dại và hoa dại.

Những bông hoa vàng li ti, những bông hoa đỏ chói cũng li ti, và vạt cỏ lau trắng như bông lao xao lay phay trong những cơn gió sớm đầy mùi sông. Ở một khúc ngoặt chỗ rẽ vào phố Bắc Cầu, tôi biết là tôi đã tạm biệt sông Hồng. Bên tay trái của tôi, một chút nữa, sông Đuống sẽ hiện ra. Vài câu thơ của nhà thơ Hoàng Cầm cũng sẽ hiện ra trong trí não. Tôi đang còn ở Hà Nội, nhưng tôi đã nhìn thấy sông Đuống. Vậy mà, vốn dĩ, vẫn nghĩ sông Đuống ở đâu xa lắm chứ không phải ở ngay đây, cách nhà chỉ mươi phút đạp xe.

Đạp xe về đến hầm, cất xe, lên nhà, tắm gội và chuẩn bị đi làm. Bắt đầu một ngày như thế, ở một nơi chỉ cách nơi làm việc có 10 phút xe máy. Đôi khi, tôi nghĩ tôi phải cảm ơn bản thân vì đã quyết định chọn nơi này để ở.

Tôi tin rằng, khi ta yêu mến một nơi nào đó, thì nó cũng yêu mến lại ta như thế. Tôi tin, căn hộ của mẹ con tôi, nó có linh hồn. Nó luôn ấm áp, cởi mở, đón nhận và trao tặng. Tôi trồng rất nhiều cây trong nhà. Tôi đóng những cái kệ trên tường chỉ để đặt những chậu cây xanh. Và chúng luôn xanh suốt hơn một năm qua, xanh tới mức khách đến chơi nhà phải buột miệng hỏi: Kia là cây thật hay cây giả?

Tôi tin là sinh khí từ niềm yêu mến của con người, sự tin cậy của con người đã lan truyền tới những bức tường, những vuông sàn, những ô cửa, để từ đấy những cái cây cứ xanh mãi, xanh mãi.

Con gái bé của tôi, có một lần nó nói: Nếu như mình phải chuyển nhà khỏi đây thì thật là buồn. Có lẽ là nỗi ám ảnh của những lần chuyển nhà, cộng với việc nó quá yêu căn nhà đã khiến nó cảm thấy sợ hãi.

Từ đây, đi sang trường tiểu học rất gần. Băng qua đường vài trăm mét là tới. Nó có nhiều bạn. Lâu lâu lại xin phép mẹ cho đón các bạn lên chơi. Lâu lâu lại rủ nhau xuống bể bơi, xin phép bố mẹ cho đi xem phim, hoặc vào chơi game dưới khu thương mại.

Thật khó để nghĩ ra một từ gì đó dành cho niềm yêu mến nơi chúng tôi đang sống. Nhưng tôi nghĩ, trong tất cả những lựa chọn nơi ở, thì đây là lần tôi có lựa chọn đúng đắn nhất, cho mình và cho các con.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: [email protected]

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy