21/01/2025 | 04:00 GMT+7, Hà Nội

"Tín hiệu sáng" cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ

Cập nhật lúc: 25/05/2024, 10:52

Xuất khẩu ngành gỗ những tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc, tuy nhiên bối cảnh chung của thế giới vẫn không ít thách thức. Do đó, các DN cần tận dụng mọi cơ hội thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại để tìm KH.

Xuất khẩu gỗ tăng trưởng tích cực

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Cả 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta đều có tăng trưởng dương gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Australia. Đặc biệt, trong đó có 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tượng nhất là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hong Kong (Trung Quốc).

Đáng chú ý, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường tăng cao nhất với con số đạt trên 20%.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành chương trình Chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends chia sẻ, năm 2023 là một năm nhiều biến động với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tác động của sự suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt, xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, đặc biệt tại EU và một số yếu tố vĩ mô khác khiến cho cầu tiêu dùng đồ gỗ giảm mạnh. Mặc dù vậy, sang năm 2024 ngành gỗ Việt Nam đã dần khởi sắc bởi nhu cầu đã quay trở lại.

Tích cực tìm kiếm khách hàng tiềm năng

Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ...

Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ... Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý 2 và cả năm 2024.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng; sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái... đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt với các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước.

Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài...

Sự phục hồi đáng kể kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm 2024 là nhờ nhu cầu của thị trường tăng và hàng tồn kho giảm. Các nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất quan trọng trên thế giới. Điều đó thể hiện rõ khi Mỹ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ số 1 cho Mỹ. Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu bứt phá tại thị trường này nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội.

Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính đang là điểm yếu của Việt Nam. Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ giảm, trị giá xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hoá và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/tin-hieu-sang-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-go-121729.html