22/11/2024 | 12:57 GMT+7, Hà Nội

Ngành gỗ cần đảm bảo minh bạch xuất xứ hàng hóa

Cập nhật lúc: 18/09/2019, 09:00

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các DN trong ngành.

Lạc quan cán đích bởi ngành gỗ có nhiều thuận lợi từ những chính sách mở cửa của Chính phủ, từ các hiệp định thương mại đã được ký kết... (Ảnh minh họa)

Lạc quan hướng đến mục tiêu

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 8 tháng đầu năm, xuất khẩu lâm sản đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ, trong đó, 5 thị trường lớn chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngành gỗ kỳ vọng sớm đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018. Xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ thường tăng mạnh vào cuối năm, nhờ hoạt động xây dựng tại các thị trường xuất khẩu đi vào hoàn thiện, nhu cầu tu sửa, thay thế trang thiết bị nội thất tăng mạnh để đón năm mới.

Trong khi đó, đối với thị trường Nhật Bản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, từ đầu năm đến nay, thị phần đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản tăng. Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng đồ nội thất nhà bếp lớn nhất cho Nhật Bản trong nửa đầu năm 2019, đạt 12,8 nghìn tấn, tăng 19,8% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Lượng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 54,4% tổng lượng đồ nội thất nhà bếp nhập khẩu của Nhật Bản.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn bày tỏ lạc quan về khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD của ngành gỗ và lâm sản, bởi năm nay, ngành gỗ có nhiều thuận lợi từ những chính sách mở cửa của Chính phủ, từ các hiệp định thương mại đã được ký kết... Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội về thương mại sẽ là những thách thức về thị trường, nhất là đối với gỗ dán.

Thận trọng với truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Nếu doanh nghiệp không tuân thủ tốt quy định về quy tắc xuất xứ thì sẽ rất nguy hiểm.(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, thị trường Mỹ sẽ tăng nhập khẩu gỗ từ Việt Nam và các quốc gia khác để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc.

Sự dịch chuyển đơn hàng giúp ngành gỗ Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Gần đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt tại Bình Dương và Đồng Nai, nhưng tốc độ dịch chuyển mạnh hơn khi cuộc thương chiến diễn biến phức tạp.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, dòng vốn đầu tư từ quốc gia láng giềng sang Việt Nam sẽ khiến sản phẩm gỗ “Made in Vietnam” vào “tầm ngắm” của Mỹ.

“Thương chiến Mỹ - Trung chưa chắc đem lại lợi ích lâu dài cho ngành gỗ Việt Nam, ngược lại, có thể gây rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, biến Việt Nam thành quốc gia trung chuyển nhằm tránh thuế từ Mỹ. Hơn nữa, rất có thể, ngành gỗ Việt Nam sẽ phải chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, kéo theo đó là mức thuế nhập khẩu cao và rủi ro hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian tới”, ông Phúc phân tích.

Cùng lo lắng về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, nếu doanh nghiệp không tuân thủ tốt quy định về quy tắc xuất xứ thì sẽ rất nguy hiểm, vì có thể dễ bị đối tác nước ngoài lợi dụng để trà trộn xuất xứ hàng hóa. “Đây là hiểm họa lớn cho hàng Việt và doanh nghiệp Việt”, bà Hương nói.

Số liệu của VCCI cho thấy, trong năm 2018, VCCI đã cấp bộ 395 bộ C/O mẫu B cho mặt hàng gỗ dán xuất khẩu tới Mỹ, tăng 118 bộ so với năm 2017, tương ứng giá trị hàng hóa hơn 20 triệu USD, tăng 60% so với năm 2017. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, VCCI đã cấp 1.037 bộ, trị giá 42,2 triệu USD.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp với Hiệp hội Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp trong ngành vào giữa tuần qua. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu phải đảm bảo minh bạch xuất xứ hàng hóa. Đây là việc cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ, mà là tất cả thị trường hiện Việt Nam có quan hệ thương mại.

Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng… đến xuất khẩu. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thận trọng truy xuất nguồn gốc, còn các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán tăng sẽ phải thực hiện việc giải trình và chấp nhận thực hiện thêm một số thủ tục hành chính, nhưng theo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là việc phải làm.

“Việc Mỹ tăng thuế xuất khẩu đối với gỗ dán Trung Quốc là cơ hội cho gỗ dán Việt và lượng xuất khẩu tăng lên là bình thường. Tuy nhiên, trước tình trạng mặt hàng này hiện đang bị nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại, cần xem lại có gian lận hay không, nếu có thì phải xử lý đến cùng, cần thiết thì cấm các doanh nghiệp này xuất khẩu ngay”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng giao Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đánh giá, dự báo về tình hình thương mại gỗ và đồ gỗ, nhất là mặt hàng gỗ dán, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 9/2019.