22/11/2024 | 05:27 GMT+7, Hà Nội

Tiếng kêu cứu của “làng ung thư” Mẫn Xá

Cập nhật lúc: 18/11/2018, 10:21

Hàng trăm khu nhà xưởng nhếch nhác, những cột khói đen xì từ lò tái chế nằm xen giữa khu dân cư; rác thải nguy hại chất thành đống, đổ đầy trên các con đường làng và ngoài đồng ruộng; nước thải ở cống rãnh nồng nặc mùi hóa chất... Khiến môi trường sống của người dân bị hủy hoại, đang là thực trạng đáng báo động trên địa bàn thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh.

Vừa bước vào đầu làng Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên phong), chúng tôi đã cảm thấy sự ngột ngạt, vì hít phải những làn khói mờ đục, khét lẹt, bốc ra từ những lò tái chế nhôm. Được biết thôn Mẫn Xá có gần 600 hộ dân, với gần 3.000 nhân khẩu, thì có tới trên 300 lò tái chế, đúc nhôm quy mô lớn, nhỏ. Trong đó, trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề tái chế nhôm, chì và vận chuyển phế liệu.

Chia sẻ với chúng tôi ông Mẫn Văn Tán –  Trưởng thôn Mẫn Xá cho biết, nghề tái chế nhôm phế liệu đã có mặt tại Mẫn Xá cả nửa thế kỷ nay. Vốn là nghề chính đem lại thu nhập cao cho người dân trong làng. Tuy nhiên, những người làm nghề cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, ngoài tình trạng ô nhiễm môi trường thì còn nguy hiểm rình rập từ các lò luyện nhôm hàng nghìn độ C phát ra trong quá trình nung nấu nhôm.

Tiếng kêu cứu của “làng ung thư” Mẫn Xá - Ảnh 1Tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xá đã kéo dài suốt hàng chục năm qua, đang để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe và cuộc sống của người dân địa phương

Trung bình mỗi năm, thôn Mẫn Xá tái chế khoảng 10 nghìn tấn nhôm phế thải và một ngày một hộ làm nghề đun đúc từ hai đến ba tạ bột nhôm. Ông Nguyễn Văn Đ, chủ cơ sở tái chế nhôm ở Mẫn Xá chia sẻ: “Toàn bộ nhôm phải dùng bột chì để kéo ra, chứ không có cách nào khác. Một ngày làng chúng tôi dùng 1 tấn chì để kéo nhôm. Do thiếu công nghệ xử lý chất thải tại chỗ, diện tích chứa chất thải không đủ nên mọi phế thải trong quá trình sản xuất, chủ yếu là sỉ nhôm đều được đưa ra cánh đồng”.

Hệ thống kênh mương trở thành đường dẫn nước thải đen đặc quánh. Chất thải tràn lan, chất thành từng đống, kéo dài trên khắp các tuyến đường nội đồng, tràn cả xuống ruộng. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới việc, người dân phải bỏ hoang hàng chục ha đất nông nghiệp ở đây trong nhiều năm qua.

Tiếng kêu cứu của “làng ung thư” Mẫn Xá - Ảnh 2

Khắp thôn, đâu đâu cũng mờ mờ vì khói bụi, ngộp thở bởi mùi hóa chất, chất thải nguy hại vứt đầy đường. Anh Đặng Văn G ở xã Văn Môn cho biết: “ Cứ tối đến, hay sáng sớm sương mù ép xuống mùi ghê lắm, nhất là những ngày trời hơi mưa hoặc gió to là phế thải bay, bụi, bốc mùi lên không chịu nổi. Người nào mới đến cũng choáng váng vì tình trạng ô nhiễm ở đây. Người dân bản địa chúng tôi cũng khó sống lắm, phải làm mọi cách để thích nghi, lâu rồi cũng thành quen. Nhiều hộ gia đình không làm nghề đã chuyển đi”.

Người dân ở Mẫn Xá đều biết làm nghề này là nguy hại sức khỏe, nhưng vì kinh tế, họ đành bất chấp tất cả, xây dựng lò tái chế nhôm ngay trong khuôn viên nhà mình. Trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề, nhưng không một ai mặc đồ bảo hộ lao động, nếu có thì cũng chỉ là đeo một chiếc khẩu trang.

Trong nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề được công bố năm 2016 (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Mẫn Xá là 1 trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, khí thải, rác thải.

Theo thống kê của Trạm y tế xã Văn Môn, lượng người dân ra trạm y tế khám, chủ yếu mắc bệnh về đường hô hấp. Mỗi một năm, số người bị ung thư lại tăng lên khoảng trên dưới 20 người chết vì ung thư. Chủ yếu là các bệnh Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư vòm họng, đường hô hấp. Tính trong10 tháng năm 2018 đã có 14 người chết vì các bệnh ung thư, tuy nhiên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều gia đình vẫn có tâm lý cố che giấu bệnh”, ông Nguyễn Văn Duy – Trạm trưởng trạm y tế xã Văn Môn cho biết.

Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra tại thôn Mẫn Xá phóng viên đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chỉ nhận được sự từ chối của lãnh đạo xã với lý do bận giải quyết công việc ở cơ sở. Khi liên hệ với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong, lãnh đạo đơn vị này cũng cáo bận với lý do đi họp trên Sở nhiều ngày. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại làng nghề tái chế phế liệu Mấn Xá, đang đặt ra những câu hỏi về vai trò và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng địa phương.

Được biết để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở làng tái chế nhôm Mẫn Xá, đầu năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế nhôm thôn Mẫn Xá, với tổng vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp TNMT được giao hàng năm và các nguồn vốn khác.

Quy mô đầu tư dự án bao gồm các hạng mục chính như xây dựng hệ thống xử lý nước thải (sản xuất và sinh hoạt) với công suất khoảng 1.800 - 2.000m3/ngày đêm, bảo đảm nước thải trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn (cột A) theo quy chuẩn, quy định; xây dựng bãi tập kết và trung chuyển rác thải sản xuất, sinh hoạt thôn Mẫn Xá với công suất khoảng 30 - 40 tấn/ngày đêm; lắp đặt hệ thống xử lý nước - khí - bùn thải…Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, cho đến hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

TUẤN ANH