Tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ là ‘bình thường mới’ trong đại dịch COVID-19
Cập nhật lúc: 23/11/2021, 06:54
Cập nhật lúc: 23/11/2021, 06:54
Theo baotintuc.vn, ở thời điểm hiện tại, mũi tăng cường là cần thiết, bởi số lượng kháng thể trong máu của người tiêm vaccine giảm dần theo thời gian. Với vaccine sử dụng công nghệ mRNA, hiệu lực bảo vệ có xu hướng giảm nhanh sau sáu tháng kể từ thời điểm hoàn tất mũi tiêm thứ hai. Với loại vaccine một liềệu như của Johnson & Johnson, thời gian giảm hiệu lực còn sớm hơn.
Nhiều nước đã triển khai kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho dân chúng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 19/11 quyết định phê duyệt liều tăng cường vaccine Pfizer và Moderna cho tất cả người trưởng thành, thay vì giới hạn đối tượng như trước. Nếu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng chấp thuận, tất cả người trưởng thành tại Mỹ đã tiêm hai mũi vaccine Moderna và Pfizer ít nhất 6 tháng trước sẽ được tiêm liều tăng cường.
Bộ Y tế Đức ngày 18/11 đề xuất kế hoạch đẩy nhanh tiêm chủng mũi tăng cường cho người dân nhằm nâng cao kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh Đức đang phải đối diện với làn sóng lây nhiễm tăng cao. Mục tiêu đề ra là tiêm được 25 triệu mũi tăng cường từ nay đến cuối năm.
Ngày 20/11, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin đã lên tiếng kêu gọi người dân tích cực tiêm mũi tăng cường. Ông Khairy cho rằng hiệu quả của các loại vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là vaccine của hãng Sinovac, sẽ bắt đầu suy giảm sau vài tháng. Do đó, ông kêu gọi người dân tiêm liều vaccine tăng cường ngay khi có thể.
Các loại vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai có thể sẽ phải điều chỉnh để tăng cường khả năng bảo vệ trước biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, như cách từng làm với các loại vaccine ngừa cúm mùa. Với mức độ lây nhiễm cao như ở châu Âu hiện tại, vẫn có cơ hội để đạt tới miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng vaccine cũng như số lượng các bệnh nhân đã phục hồi sau nhiễm bệnh.
Khi nói đến miễn dịch cộng đồng, vấn đề không chỉ bó hẹp trong câu hỏi về kháng thể - đó là kết luận sơ bộ được các nhóm nghiên cứu lớn tại Anh và Singapore đưa ra, mới được đăng trên tạp chí Nature, dù vẫn chưa trải qua quy trình bình duyệt khoa học.
Trong nhiều tháng, các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhóm đối tượng là nhân viên y tế - những người có nguy cơ phơi nhiễm với virus, nhưng không có dấu hiệu lây nhiễm và chưa bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính. Xét nghiệm kháng thể (huyết thanh) cũng cho kết quả tương tự.
Các nhà khoa học nhận thấy 58 nhân viên y tế huyết thanh (SN-HCW) có lượng tế bào T (tế bào ghi nhớ) lớn hơn so với một nhóm tổ hợp khác – gồm những cá nhân có nguy cơ phơi nhiễm với virus thấp hơn. Các tế bào T phát hiện ở 58 cá nhân này đã nhằm mục tiêu vào các bộ phận của virus SARS-CoV-2 khiến virus không thể lây lan trong cơ thể và vì thế giúp chặn nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn đầu.
Các nhà nghiên cứu khẳng định các loại vaccine thế hệ mới có thể được phát triển nhằm tạo ra tế bào T để ngăn chặn sự nhân bản của protein và tạo ra kháng thể nhằm vào các protein gai. Giáo sư Maini cho rằng loại vaccine "tác dụng kép" này sẽ giúp hệ miễn dịch con người có khả năng chống lại các đột biến và do tế bào T có thể tồn tại lâu hơn nên vaccine có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu hơn.
Thông tin từ báo suckhoedoisong.vn cho biết, nghiên cứu cho thấy, việc tiêm mũi 2 vaccine sau khi khỏi bệnh COVID-19 có thể rất quan trọng để bảo vệ chống lại sự tái nhiễm và ngăn ngừa lây truyền. Điều này càng khẳng định, tiêm vaccine hiện là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng chống đại dịch COVID-19.
Nguồn: https://baodansinh.vn/tiem-mui-vaccine-tang-cuong-se-la-binh-thuong-moi-trong-dai-dich-covid-19-20211122011650.htm
10:06, 15/11/2021
13:33, 09/11/2021
11:57, 28/10/2021