Thương mại điện tử: Tăng trưởng 2 con số trong đại dịch COVID-19
Cập nhật lúc: 20/02/2022, 10:03
Cập nhật lúc: 20/02/2022, 10:03
Các sàn Thương mại điện tử ghi nhận sức mua lớn
Được biết, những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các sàn TMĐT lớn đã ghi nhận sức mua của người dân tăng từ 40 - 100%. Cụ thể, doanh thu trên sàn Tiki trong 4 tuần trước tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt tập trung vào các ngành hàng điện tử và gia dụng. Trong khi đó, Shopee ghi nhận số lượng người mua và lượng đơn hàng tăng gần 100% trong dịp cao điểm bao gồm các ngành hàng thời trang, hàng tiêu dùng nhanh, điện tử...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm.
Đánh giá về xu thế phát triển của TMĐT trong năm 2022, nhóm chuyên gia của Cổng thông tin TMĐT iPrice cho rằng, để giữ chân người tiêu dùng doanh nghiệp TMĐT cần có các giải pháp trợ giúp tìm sản phẩm họ cần, tinh gọn chuỗi cung ứng để rút ngắn thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm chuẩn. Phát triển mạnh mẽ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, đặc biệt với các sàn TMĐT thay vì chỉ có một website hoặc chỉ có một fanpage Facebook như hiện nay.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ( Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ đẩy mạnh phát triển TMĐT đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương sôi động và đầy tiềm năng. Đặc biệt là đơn vị sẽ quan tâm đến các biện pháp quản lý ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hành nhái trên môi trường TMĐT bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Cần chế tài mạnh mẽ xử lý ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại trên các sàn TMĐT
Theo các chuyên gia kinh tế, TMĐT là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, một số thủ đoạn gian lận mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
"Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), có thể chốt hàng trăm đơn mỗi ngày", ông Linh nói.
Nguồn: https://congluan.vn/thuong-mai-dien-tu-tang-truong-2-con-so-trong-dai-dich-covid-19-post181983.html