19/01/2025 | 09:16 GMT+7, Hà Nội

Kênh bán hàng hiện đại năm 2019: Các sàn TMĐT thay đổi vị trí ngoạn mục

Cập nhật lúc: 18/12/2019, 06:00

Bảng xếp hạng các kênh bán hàng hiện đại như thương mại điện tử (TMĐT) thay đổi rõ rệt trong năm 2019, chứng kiến sự đổi ngôi trong bảng xếp hạng của một số chợ thương mại.

Các sàn TMĐT thay đổi vị trí

Tính đến năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng internet, trung bình một người Việt dành 3 giờ 12 phút để lướt web trên điện thoại. Do đó, mô hình bán hàng qua mạng đang lấn lướt kinh doanh truyền thống. 

Thay vì bán hàng trên một kênh truyền thống như trước đây, các chủ doanh nghiệp sử dụng nhiều kênh khác nhau để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Các kênh bán hàng online hiện nay có thể thông qua mạng xã hội, qua trang web riêng hay giao dịch qua sàn TMĐT.

Xếp hạng TMĐT quý 3/2019. Ảnh: iPrice Group

Theo ông Lê Hải Bình – chuyên gia của Hiệp hội TMĐT Việt Nam thì năm 2019 vừa qua, mạng xã hội không phải là kênh chính để phát triển hoạt động mua bán, nó chỉ góp phần trợ giúp TMĐT trở nên phổ biến hơn.

Năm 2018, được coi là năm bùng nổ khi thương mại điện tử của Việt Nam phát triển mạnh với tốc độ trên 30% so với năm 2017. Tuy nhiên, đến năm 2019, những ông lớn của TMĐT lại phải loay hoay tìm đường phát triển với mức tăng trưởng chưa rõ ràng, chậm chạp. Ngoại trừ Sendo tăng đều, còn các sàn khác hầu như giảm dần theo những quý cuối năm.

Theo cập nhật mới nhất từ Bản đồ Thương mại Điện tử do công ty so sánh và tìm kiếm iPrice Group thực hiện, lượng truy cập vào website của Sendo trong quý 3 đã cán mức 30,9 triệu lượt/tháng. Kết quả này đánh dấu quý thứ hai liên tiếp website của Sendo đạt mức tăng trưởng về truy cập trên 10% so với quý trước.

Ảnh: Advertisingvn

Tốc độ tăng đều về tay Sendo còn ngôi vương trong các quý lại thuộc về Shopee. App Shopee đã đạt mốc truy cập 34,5 triệu lượt/tháng và dẫn đầu lượt tải về trong các app mua bán. Tiki từ vị trí thứ hai của quý trước đã rơi xuống vị trí thứ ba nhường cho Sendo. Theo Giám đốc tài chính và phát triển chiến lược của Tiki, công ty này đang tập trung cho quá trình kêu gọi vốn.

Lazada lại rơi từ vị trí thứ ba xuống vị trí thứ tư. Tuy nhiên, dấu hiệu đáng mừng của Lazada là lượng truy cập vào web giảm xuống trong nhiều quý nhưng lượng truy cập trên app của Lazada lại cao hơn.

Các kênh bán hàng hiện đại tập trung ở đâu?

Mặc dù TMĐT đang phát triển mạnh nhưng vị trí phát triển vẫn không thay đổi nhiều so với các năm trước. Cụ thể chỉ số thương mại điện tử EBI của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với 86,8 điểm. Đứng thứ 2 là Hà Nội với số điểm 84,3. Hải Phòng năm thứ 2 liên tiếp ở vị trí thứ 3, hai vị trí tiếp sau vẫn là Đà Nẵng và Bình Dương.

Khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội với 3 địa phương còn lại cũng rất xa. Sự cách biệt của hai thành phố lớn và 5 địa phương khác lên đến 39,4 điểm và năm 2019 lại còn cao hơn năm trước. Điều đó cho thấy sự chênh lệch phát triển TMĐT giữa các địa phương ngày càng tăng và việc thu hẹp khoảng cách đang là một thách thức đối với các kênh bán hàng.

Có thể hiểu được khoảng cách đó là do từ trước đến nay, địa bàn tỉnh lẻ luôn bị xem là thị trường khó tiếp cận với các trang bán hàng trực tuyến vì những nguyên nhân sau: Thứ nhất, xuất phát từ thói quen mua sắm truyền thống “sờ tận tay”. Thứ hai, người tiêu dùng tại những vùng miền này ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm công nghệ và các thông tin giảm giá của các trang bán trực tuyến.

Theo các chuyên gia, sự phân vùng phát triển TMĐT cũng đến từ nguyên nhân tốc độ phát triển logistic không đồng đều và chưa theo kịp tốc độ phát triển của TMĐT giữa các địa phương. Hơn nữa theo thống kê, chi phí logistic của Việt Nam chiếm xấp xỉ 21% GDP, cao nhất khối Asean khiến cho người dân vùng địa phương khó có thể chi cho những món hàng mua qua các kênh hiện đại. Chi phí logistics cao như thế hiển nhiên là rào cản rất lớn kìm hãm sự phát triển của TMĐT.

Chi phí logistics ở Việt Nam cao nhất trên thế giới. Ảnh: Logistics4vn

“TMĐT Việt Nam đang có tốc độ gia tăng cao đến gần 30%, theo tính toán, đến năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng 43% - cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bối cảnh đó đòi hỏi một nền tảng tương ứng của cả chuỗi cung ứng, hạ tầng, nhất là logistics. Mặc dù, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt gần 16%, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra”, PGS. TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) thông tin.

Theo ông Thắng, muốn phát triển logistics gắn với TMĐT thì các doanh nghiệp phải ứng dụng được công nghệ. Nhưng cái khó là hiện nay môi trường ứng dụng công nghệ thông tin của cả nước vẫn còn ở mức thấp. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng kết nối đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cảng hàng không…

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, để phát triển đồng đều TMĐT vào các địa phương thì Bộ cũng đang xây dựng chương trình xúc tiến TMĐT giai đoạn 2021 - 2025 và cuối cùng là đề ra nhóm giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT tại các địa phương.