19/01/2025 | 12:14 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Cập nhật lúc: 25/08/2019, 21:00

Bộ Tài chính đang dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

de xuat quan ly hoat dong thuong mai dien tu doi voi hang hoa xuat nhap khau
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) của các nước trên thế giới và Việt Nam không thể đứng bên ngoài sự phát triển này.

Tại Việt Nam, sau hai mươi năm xuất hiện, Internet đã tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế và xã hội. Sau giai đoạn hình thành và phổ cập, từ năm 2016 thương mại điện tử nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển. Theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 tỷ USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018.

Nhận thấy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là cần thiết, cấp bách trong thời điểm hiện nay, vì vậy, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26-9-2018 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” với mục tiêu tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Mục tiêu của Đề án là đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm: Đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

Theo khái niệm của Tổ chức Hải quan thế giới đưa ra tại Khung tiêu chuẩn thương mại điện tử xuyên biên giới (6-2018) thì thương mại điện tử xuyên biên giới có thể được hiểu là việc đặt hàng, bán hàng, liên hệ trao đổi là trực tuyến và việc thanh toán thì có thể là trực tuyến hoặc không trực tuyến đồng thời hàng hóa hữu hình được vận chuyển qua biên giới. Như vậy, tất cả các giao dịch về việc đặt hàng, bán hàng trực tuyến được coi là thương mại điện tử. Tuy nhiên, do nguồn lực về con người, thời gian, kinh phí còn hạn chế, vì vậy, đề án chỉ tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát, tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các website thương mại điện tử bán hàng.

Tại Đề án này tạm thời chưa nghiên cứu đến việc giao dịch đặt hàng, bán hàng trên các ứng dụng như zalo, facebook,...

Đối tượng điều chỉnh của Đề án gồm: Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử: cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử...; người mua hàng (tổ chức, cá nhân); người bán hàng; chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử; các doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp là đại lý cho các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, doanh nghiệp là đại lý làm thủ tục hải quan.

Đề án được chia làm 04 chương như sau: Chương I. Tổng quan về thương mại điện tử, tập trung nghiên cứu: khái niệm thương mại điện tử, giao dịch thương mại điện tử, thanh toán và nêu rõ các đối tượng trong giao dịch thương mại điện tử.

Chương II. Thực trạng quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tại Chương này sẽ đề cập đến công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại một số nước trên thế giới. Trọng tâm của Chương sẽ tập trung nghiên cứu công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam, nêu rõ thực trạng, những bất cập, khó khăn, vướng mắc từ hoạt động thương mại điện tử của các đối tượng tham gia giao dịch đến công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách,…

Chương III. Mô hình và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trên cơ sở thực trạng tại Chương II, Chương này tập trung nghiên cứu và đề xuất mô hình và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo từng đối tượng tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.

Chương IV. Tổ chức thực hiện.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-quan-ly-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-doi-voi-hang-hoa-xuat-nhap-khau-160128.html