18/01/2025 | 18:04 GMT+7, Hà Nội

Sẽ có 300 mặt hàng được giảm giá xuất nhập khẩu theo biểu thuế ưu đãi đặc biệt

Cập nhật lúc: 10/06/2019, 15:00

Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn đã được Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ.

Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn đã được Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ. Nghị định sẽ được ban hành trong tháng 6 này, dự kiến có khoảng 300 mặt hàng sẽ được giảm thuế.

Hiện doanh nghiệp xuất khẩu hai mặt hàng dệt may và da giày đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường Canada. (Ảnh TL) Hiện doanh nghiệp xuất khẩu hai mặt hàng dệt may và da giày đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường Canada. 

Để triển khai thực hiện cam kết về thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn đã được Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ. Dự kiến sẽ có khoảng 300 mặt hàng sẽ được giảm thuế.

Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) - cho biết, Bộ đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP. Dự kiến, Nghị định sẽ được ban hành vào tháng 6 tới.

Trong biểu thuế này, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cố gắng đưa ra biểu so sánh thuế suất theo các FTA so với CPTPP để DN lựa chọn các mức thuế suất ưu đãi phù hợp. Biểu thuế bao gồm 2 nhóm là những nước đã thực hiện CPTPP từ cuối năm 2018 (gồm Canada, Úc, New Zealand và Singapore) và nhóm nước thực hiện từ năm 2019.

Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, vấn đề thuế, hải quan được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu muốn biết được lộ trình cắt giảm thuế xuất cụ thể để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp, còn doanh nghiệp nhập khẩu muốn nắm bắt mức thuế giảm khi nhập khẩu ra sao để tính toán sao cho có lợi nhuận nhất.

Bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng giám quản 4, Cục giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) - thông tin, biểu thuế này dự kiến sẽ có khoảng 300 mặt hàng có mức thuế cắt giảm sâu hơn mức thuế thông thường.

Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất ưu đãi doanh nghiệp phải có C/O ưu đãi. Và C/O trong CPTPP là chứng từ chứng nhận xuất xứ có thể được cấp cho nhiều lô hàng với điều kiện không quá 12 tháng và có thể cấp cho nhiều nhà nhập khẩu khác nhau.

Cam kết cắt giảm thuế của các nước thành viên sẽ là cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Trong biểu thuế trên Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cố gắng đưa ra so sánh thuế suất của các FTA so với CPTPP để doanh nghiệp lựa chọn các mức thuế suất ưu đãi phù hợp.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện doanh nghiệp xuất khẩu hai mặt hàng dệt may và da giày đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường Canada.

Còn tại thị trường Nhật Bản, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ... cũng được hưởng thuế suất 0%.

Nguồn: https://congluan.vn/se-co-300-mat-hang-duoc-giam-gia-xuat-nhap-khau-theo-bieu-thue-uu-dai-dac-biet-post63251.html