24/11/2024 | 17:53 GMT+7, Hà Nội

''Thuốc đặc trị'' chữa ''bệnh'' ùn tắc giao thông

Cập nhật lúc: 02/06/2020, 16:23

LTS: Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp trong khi tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân quá nhanh đã dẫn tới quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại Hà Nội...

LTS: Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp trong khi tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân quá nhanh đã dẫn tới quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại Hà Nội. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, “thuốc đặc trị” để Hà Nội chữa “bệnh” ùn tắc là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực giao thông công cộng, tiến tới thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân...

Bài 1: Phát triển mất cân đối

Theo yêu cầu, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tại thành phố Hà Nội phải đạt từ 20% đến 26%, tuy nhiên tỷ lệ này mới đạt 9,75%. Trong khi đó, phương tiện giao thông tiếp tục tăng nhanh. Sự phát triển mất cân đối này dẫn tới nhiều nút giao, tuyến đường trở nên quá tải vì phương tiện...

Tuyến đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Tuấn Khải

Đường hẹp nhưng quá nhiều xe

10 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Vân bán căn hộ chung cư tại Khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) để chuyển về sống tại ngõ 122 phố Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng). Giải thích lý do, chị Vân cho biết, thời điểm đó, hằng ngày, chị đi từ khu Nam Trung Yên đến cơ quan tại quận Hoàn Kiếm thường mất 50-60 phút do ùn tắc giao thông kéo dài; sau khi về nhà mới, do đường sá thông thoáng nên tuy khoảng cách gần hơn không nhiều nhưng thời gian để đi làm chỉ bằng khoảng 1/3 so với trước.

“Sự thuận lợi trên cũng chỉ được vài năm, bây giờ thì đường Nguyễn Khoái, nhất là đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến đường Vành đai 1 thường xuyên bị ùn tắc do đường hẹp, người tham gia giao thông lại đông. Cũng trên tuyến đường này, cách bố trí đèn tín hiệu giao thông tại nút giao ngã tư Nguyễn Khoái - Lãng Yên chưa hợp lý khiến giao thông tại đây rất lộn xộn, trở thành “điểm nghẽn”. Để không bị muộn giờ làm chỉ có cách xuất phát sớm 30 phút”, chị Vân chia sẻ.

Khu vực nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) cũng là nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Mặt đường hẹp, trong khi hằng ngày, cư dân từ vài chục tòa chung cư cao tầng (thuộc Khu đô thị Linh Đàm) đổ xuống, cộng với lưu lượng phương tiện rất lớn lưu thông từ đường Giải Phóng qua nút giao này để đi về hướng đường Nguyễn Xiển, cầu Tó... là nguyên nhân chính gây nên ùn tắc.

Theo Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Trần Đăng Hải, trên địa bàn thành phố hiện có 34 điểm ùn tắc giao thông. Trong đó nhiều điểm có cùng nguyên nhân là mặt đường hẹp nhưng đang phải “cõng” lưu lượng phương tiện lớn. Ngoài nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ có thể kể tới nút giao khu vực phía Bắc cầu Chương Dương; đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn; cầu Định Công; điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu…

Hạ tầng bị quá tải

Trong khoảng 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. Cùng với đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài… Những công trình lớn này đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện tình trạng giao thông. Nếu như năm 2010, toàn thành phố có 124 điểm ùn tắc thì đến cuối năm 2011 còn 78 điểm; cuối năm 2015 còn 44 điểm và đến thời điểm cuối tháng 5-2020, chỉ còn 34 điểm.

Những kết quả đó là rất đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về giao thông của thành phố. Số điểm dù giảm nhưng ùn tắc giao thông còn diễn biến rất phức tạp.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có trên 23.720km đường; 462 cây cầu lớn nhỏ; 7 cầu vượt nhẹ và 33 cầu vượt bộ hành... Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75%, trong khi theo yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 20% đến 26%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng ô tô đạt 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phức tạp hơn.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện chia sẻ, toàn thành phố hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685.000 ô tô các loại), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông với kết cấu hạ tầng dẫn tới quá tải và ùn tắc.

“Điển hình như cầu Thanh Trì có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Một số tuyến giao thông chính như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1-1,8 lần so với lưu lượng thiết kế”, ông Vũ Văn Viện cho biết.

(Còn nữa)