18/01/2025 | 19:24 GMT+7, Hà Nội

Thực phẩm chức năng Cela chưa được cấp phép đã bán tràn lan?

Cập nhật lúc: 15/11/2018, 16:49

Chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tối thiểu để được phép bán ra thị trường nhưng sản phẩm mầm đậu nành, ngũ cốc nhãn hàng Cela đã quảng cáo, bán tràn lan trên các trang mạng xã hội?

  Hai sản phẩm thuộc nhãn hàng Cela được bán rộng rãi trên thị trường, với giá 320.000 đồng/hộp. Ảnh: Bảo Loan

Hai sản phẩm thuộc nhãn hàng Cela được bán rộng rãi trên thị trường, với giá 320.000 đồng/hộp. Ảnh: Bảo Loan

Mẹ sau sinh bị đầy hơi sau 3 ngày uống mầm đậu nành

Phản ánh tới Báo Gia đình & Xã hội, chị Diệu Linh (28 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhiều tháng trước, sau khi sinh, vì lo sợ thay đổi nội tiết tố nên chị Linh đã tìm hiểu về các sản phẩm có công dụng bổ sung, cân bằng nội tiết tố. Trước lời quảng cáo về công dụng kỳ diệu của sản phẩm Mầm đậu nành nguyên xơ Farm, chị Linh đã mua về uống. Tuy nhiên, sau khoảng 3 ngày dùng, chị Linh có dấu hiệu khó chịu nôn nao, đầy hơi.

“Khi đó tôi nghĩ có thể mình bị đau dạ dày hoặc do mầm đậu nành gây nên. Vì đang cho con bú lại lo cho sức khỏe nên tôi đi khám bác sĩ. Sau khi thăm khám, bác sĩ hỏi về chế độ dinh dưỡng, tôi có nói là sử dụng thêm mầm đậu nành, bác sĩ cho biết, mầm đậu nành có chứa raffinose (một loại đường khó tiêu), nếu ăn vào cơ thể sẽ gây lên men trong ruột kết, sinh ra một số vi khuẩn có hại gây đầy hơi khó chịu, nhất là với những người sức khỏe chưa tốt như mới sinh con. Mặc dù khi mua tôi cũng nói rõ với nhân viên bán hàng mình mới sinh con, đang cho con bú nhưng người bán hàng Cela vẫn khẳng định tôi có thể sử dụng tốt, đảm bảo không có tác dụng phụ”, chị Linh nói.

Cũng theo chị Linh, có thể bụng dạ người sau sinh còn yếu nên chưa thích hợp sử dụng mầm đậu nành. Mặc dù không tư vấn cụ thể, nhưng người bán cũng nên có khuyến cáo trong trường hợp có sự cố khi dùng thì nên ngưng sử dụng. Thế nhưng, điều khách hàng mong đợi đã không được đáp ứng. “Theo tôi, phụ nữ sau sinh dùng thêm sản phẩm bổ sung gì cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ, không nên vội vàng mà tuỳ tiện sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ”, chị Linh chia sẻ.

Theo sản phẩm chị Linh cung cấp, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhãn hiệu Cela là “Mầm đậu nành nguyên xơ Farm”, thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển thương mại Cela (số 18/104, ngõ 364, đường Giải Phóng, tổ 6, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Để xác thực những thông tin trên, trong vai người mẹ sau sinh cần mua sản phẩm Mầm đậu nành Cela để cân bằng nội tiết tố, PV Báo Gia đình & Xã hội được các nhà phân phối sản phẩm Cela khẳng định hãy hoàn toàn yên tâm sử dụng(?). Một tài khoản có tên Duyên Nguyễn, tự giới thiệu là Tổng giám đốc Công ty Cela cho biết: “Mới sinh bé cũng dùng được mầm. Khách nhà em hay dùng combo mầm và ngũ cốc. Ngũ cốc thì lợi sữa, cho sữa đặc và thơm”(?).

Tài khoản khác có tên Hằng Nguyễn, tự xưng là nhà phân phối sản phẩm của Cela khu vực Hà Nội cũng cho biết: “Sản phẩm bên chị về cơ bản thì đạt chuẩn, bán cả online và các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng sữa, đặc biệt là bán nhiều ở hiệu thuốc. Nếu muốn gia nhập làm nhà phân phối thì bắt buộc phải nhập đủ số lượng theo quy định trong tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai trở đi, có thể nhập ít hơn nhưng vẫn giữ chức danh nhà phân phối như ban đầu, vì bên chị chưa áp doanh số kinh doanh. Còn công dụng thì hoàn toàn yên tâm và cam kết là như quảng cáo”(?).

Cela không đáp ứng quy định tối thiểu về nhãn!?

Được biết, Công ty Cela đang phân phối 2 dòng sản phẩm là “Mầm đậu nành nguyên xơ Farm” và “Ngũ cốc dinh dưỡng Farm”. Đây là những sản phẩm đang khiến nhiều khách hàng “mở ví” vì những quảng cáo về tác dụng kỳ diệu của sản phẩm.

“Mầm đậu nành nguyên xơ Farm” được quảng cáo có các công dụng như: “Bổ sung Estrogen tự nhiên, giúp cân bằng nội tiết tố nữ; Giảm triệu chứng tiền mãn kinh, bốc hoả, mất ngủ ở nữ giới; Làm đẹp da, chống lão hóa; Tăng cường sinh lí nữa, giảm khô âm đạo; Ngăn ngừa ung thư và các bệnh về tim mạch”.

Sản phẩm “Ngũ cốc dinh dưỡng Farm” cũng được quảng cáo có công dụng thần kỳ không kém, hướng đến đối tượng khách hàng là trẻ em và người già như: “Bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng cho mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và người ốm; Lợi sữa cho phụ nữ sau sinh, bổ sung dinh dưỡng thiết yếu cho phụ nữa mang thai; Giúp trẻ nhỏ phát triển trí não toàn diện, tăng chiều cao và thông tin vượt trội; Bổ sung nội tiết tố, làm đẹp da, ngứa lão hóa; tăng cân, giản cân theo ý muốn sau 1 tháng sử dụng; Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, chống lão hóa xương, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tiểu đường, tim mạch, phòng ngừa ung thư vú, chống suy nhược thần kinh…”.

Mặc dù được quảng cáo là sản phẩm mang nhiều công dụng, nhưng theo quan sát của PV, nhãn mác của hai dòng sản phẩm nói trên của Cela đều không đáp ứng các quy định tối thiểu đối với một sản phẩm thực phẩm chức năng, như: Số công bố sản phẩm; Số chứng nhận điều kiện ATTP; Mã số, mã vạch sản phẩm; Thành phần không có định lượng cụ thể; Tên đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất...

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Y dược hành nghề tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, một sản phẩm thực phẩm chức năng đạt “chuẩn” khi bán cho người tiêu dùng, phải đáp ứng đủ các quy định về tem nhãn tại Nghị định 43/2017 của Chính phủ về tem nhãn hàng hoá. Như nhãn sản phẩm phải có thành phần đi kèm định lượng cụ thể; công dụng; lưu ý hoặc cảnh báo người dùng; mã số, mã vạch; số lô sản xuất; ngày sản xuất, hạn sử dụng; tem chống hàng giả; đặc biệt quan trọng là số công bố sản phẩm.

Cũng theo ông Trung, thực tế, Nghị định 15/2018 đã rất “mở” cho doanh nghiệp trong khâu làm thủ tục công bố sản phẩm. Tuy nhiên, một sản phẩm trước khi được cơ quan quản lý nhà nước cấp mã số công bố thì phải đảm bảo các quy định cơ bản về ghi nhãn. Yêu cầu này là cơ sở cho khách hàng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Ngược lại, một sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu trên, có thể khẳng định, sản phẩm này chưa đủ yếu tố pháp lý khi đưa ra thị trường. Khi chưa đủ yếu tố pháp lý thì đương nhiên, vấn đề chất lượng cũng không được đảm bảo.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ PV, bà Phạm Thị Hoa - đại diện Công ty Truyền thông Đa Phong Cách, tự nhận là đơn vị bảo trợ truyền thông và là người có “sự ảnh hưởng” với Công ty Cela đã đến Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội để làm việc. Trong buổi làm việc, bà Hoa đã xác nhận các thông tin mà PV đưa ra là hoàn toàn đúng. Hai sản phẩm của Cela hiện chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về số công bố sản phẩm, quy định tem nhãn, kiểm nghiệm tiêu chuẩn cơ sở… trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc sớm bán ra rộng rãi là để thăm dò thị trường, xem khách hàng có đón nhận sản phẩm này hay không (?).

Bà Hoa cũng tiết lộ, hai sản phẩm nói trên của nhãn Cela được Công ty Cela ký hợp đồng sản xuất, gia công tại một cơ sở trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Cơ sở này cũng đang hoàn thiện hệ thống cơ sở kỹ thuật để đạt chuẩn nhà máy sản xuất tốt theo tiêu chuẩn GMP.

Bảo Loan