22/11/2024 | 00:06 GMT+7, Hà Nội

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

Cập nhật lúc: 16/12/2020, 11:20

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và PTNT có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng vùng Tây Nguyên.

Rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng ít khi được báo cáo. Ảnh: VOV

Trước đó ngày 3/12, báo chí có phản ánh hiện số chủ rừng ở Tây Nguyên rất lớn nhưng hiệu quả quản lý lại rất kém.

Theo thông tin trên báo chí, chưa bao giờ số lượng chủ rừng ở khu vực Tây Nguyên lại nhiều như hiện nay với 55 công ty lâm nghiệp Nhà nước, hàng trăm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cổ phần, rất nhiều UBND xã, nhóm hộ và hàng chục nghìn hộ dân.

Trớ trêu là, chủ rừng nhiều lên, diện tích mỗi chủ quản lý ít đi, nhưng hiệu quả quản lý vẫn đi xuống.

Theo quy định của pháp luật, cứ tháng 3 hàng năm, các địa phương cấp huyện phải công bố hiện trạng rừng. Theo quy trình, các thông tin hiện trạng là do chủ rừng báo cáo hạt kiểm lâm. Hạt kiểm lâm dùng số liệu của năm trước, khớp với con số báo cáo của các chủ rừng, thành con số về thực trạng mới, trình lên UBND cấp huyện công bố.

Tuy nhiên, các chủ rừng ở 750 dự án mà các tỉnh Tây Nguyên cho thuê, rất hiếm khi báo cáo hiện trạng thiệt hại, dẫn đến các con số ảo lưu cữu từ năm này qua năm khác.

Thông tin của báo chí cho biết, doanh nghiệp được giao rừng bỏ bê trách nhiệm bảo vệ và báo cáo thiệt hại, chính quyền lảng tránh tình trạng xâm hại rừng nghiêm trọng, là lý do chính khiến các con số ảo tồn tại trong nhiều năm. Chỉ đến khi số thiệt hại thật tích tụ quá lớn, thông tin vỡ lở thì sự đã rồi, dấu vết phá rừng không còn, nên các tỉnh có lý do bao biện.

Về vấn đề báo chí phản ánh trên đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát, đánh giá và xử lý; có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.