18/01/2025 | 20:21 GMT+7, Hà Nội

Rừng nguyên sinh còn nguyên của Việt Nam chỉ còn 0,25%

Cập nhật lúc: 15/11/2020, 09:15

Việt Nam đạt 14,6 triệu ha đất có rừng vào năm 2019 với độ che phủ ước đạt gần 42%. Nhưng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ có 0,25%.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 tổ chức tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trong hai ngày 11 và 12/11, ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực (Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ), nhận định: “Năm 2019, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu ha đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Song trên toàn lãnh thổ quốc gia, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ 0,25%”.

Cũng theo ông Oemar Idoe, điều này phản ánh một thực tế rằng quản lý rừng bền vững và bảo tồn tài sản đa dạng sinh học và các hệ sinh thái cần thêm những nỗ lực và sự quan tâm mạnh mẽ của chính phủ, các cấp, các ngành.

Rừng nguyên sinh còn nguyên của Việt Nam chỉ còn 0,25%

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, toàn quốc hiện có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó có 3,95 triệu ha rừng tự nhiên, 0,69 triệu ha rừng trồng. Tổng diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019, và diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng tăng nhẹ từ 0,61 triệu ha năm 2010 lên 0,69 triệu ha năm 2019.

Tính tới thời điểm hiện tại, dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp. Số liệu này cho thấy diện tích rừng phòng hộ là rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình là trên 1 triệu ha (chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên).

Như vậy, có thể thấy chất lượng rừng tự nhiên chưa đạt yêu cầu phòng hộ và ngành lâm nghiệp cũng như toàn xã hội phải đầu tư nhiều hơn để rừng có thể duy trì và phát triển đạt yêu cầu phòng hộ.

Mưa to vì mất rừng nguyên sinh

Diện tích rừng đã trở thành vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội trong tuần qua khi miền Trung đã và đang trải qua những ngày lũ lụt khủng khiếp, nhiều ý kiến cho rằng việc lũ lụt thảm khốc như vậy ngoài lý do trời mưa to nhiều ngày thì còn vì đã bị mất diện tích rừng nguyên sinh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hệ số che phủ rừng của Việt Nam gần 42% trong khi trung bình của thế giới chỉ là 29%. Cả nước có tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là cố gắng vượt bậc, bởi vì năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng.

Mưa to vì mất rừng nguyên sinh

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên chưa cho thấy rõ giá trị nội tại của rừng và chưa làm yên lòng người dân khi lũ lụt, sạt lở đất, biển xâm thực vẫn diễn ra với cấp độ ngày càng nghiêm trọng. Bởi, chất lượng rừng không chỉ căn cứ vào tỉ lệ che phủ của rừng, mà phải tính đến tỉ lệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Giá trị của 7,801 triệu ha rừng sản xuất khác hẳn với giá trị của 2,161 triệu ha rừng đặc dụng hay 4,646 triệu ha rừng phòng hộ, vì rừng sản xuất gần như không có tác dụng hữu hiệu trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái, phòng chống xói mòn...

Ngay tại hội trường Quốc hội nhiều đại biểu cũng phản ứng gay gắt về con số mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) tranh luận lại và nhấn mạnh đến việc thiên tai, bão lụt, sạt lở… đang ngày càng nặng nề hơn. "Thảm họa có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng, hay những thủy điện "cóc" vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động thậm chí được cấp giấy phép mới. Nếu lại xảy ra những trận lũ lụt lịch sử thì sẽ lại có những cột mốc tang thương nữa", ông Hiếu nói. Theo ông Hiếu, chúng ta phải thay đổi cách làm về bảo vệ rừng, đặc biệt là cần thay đổi trong tư duy chứ không chỉ thay đổi trên văn bản.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiên tai nặng nề, hoành hành tại miền Trung vừa qua, gây thiệt hại đặc biệt lớn về sinh mạng cũng như tài sản của người dân. Liên tiếp những vụ sạt lở đất xảy ra sau mưa lũ tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vùi lấp rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân. Ông khái quát, những sự cố khủng khiếp đó xảy ra ở khu vực tập trung nhiều thuỷ điện nhỏ, nơi mất nhiều diện tích rừng cho việc làm hồ chứa, đập dâng.

Chung quan điểm này, đại biểu Hoàng Quốc Thắng (Quảng Trị) nhận định, thuỷ điện nhỏ và vừa mọc khắp nơi, xâm hại nhiều diện tích rừng tự nhiên. Hầu hết các vụ sạt lở, lũ quét xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, mất rừng, tức mất khả năng điều tiết lượng nước tự nhiên từ khu vực núi cao đổ xuống. "Nếu không có sự đánh giá, rà sát về chất lượng rừng, về hệ thống thuỷ điện nhỏ và vừa thì còn chưa có cái nhìn khái quát về các công trình làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, đến môi trường và đời sống người dân như thế nào", đại biểu cảnh báo..

Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác rừng trái phép cũng xảy ra nhiều trên cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Theo bà Mai, việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được một ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 ha rừng trồng mới.

Rừng giàu thành rừng nghèo kiệt

Chia sẻ về thông tin tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam gần 42%, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cũng cho biết, diện tích rừng tự nhiên hiện còn rất ít. Mấu chốt là chất lượng rừng hiện nay rất thấp. Cũng là rừng tự nhiên nhưng xưa là rừng giàu và trung bình, giờ là rừng nghèo và rừng kiệt. Xưa trên 1 ha rừng có 250 m3 gỗ nhưng giờ chỉ còn 25 m3 gỗ, nhưng nó vẫn là rừng.

“Như thế, độ che phủ bằng nhau nhưng chất lượng rừng không bằng một nửa so với trước đây. Chất lượng đó ảnh hưởng đến năng lực phòng hộ của rừng. Trước đây mật độ cây ken đặc, rễ đan nhau dày đặc thì giờ cây ít đi, cây to không có… nên vai trò bảo vệ của rừng bị suy giảm đi nhiều. Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…

Rừng giàu thành rừng nghèo kiệt

Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1 - 2 giờ với lượng mưa khoảng 100 mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét”, GS Nguyễn Ngọc Lung cho hay.

Trong khi thế giới ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta lại phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Rừng tự nhiên dù có nghèo kiệt thế nào chăng nữa thì về đa dạng sinh học cũng gấp nhiều lần rừng trồng. Vì thế, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10 ha rừng trồng.

Quan trọng vừa là tổng diện tích, tỉ lệ rừng có trên lãnh thổ nhưng còn là bố trí ở chỗ nào. Có những quốc gia chỉ có 30 - 35% rừng nhưng cực kỳ an toàn vì đã có quy hoạch gọi là lâm phận ổn định, chỗ nào cần có rừng, loại rừng gì thì người ta làm đúng như thế. Sự trả giá vì mất rừng chúng ta cũng đang chứng kiến rất rõ.

Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu. Thế giới đã khẳng định, rừng là nhân tố tốt nhất để người dân tham gia vào chống biến đổi khí hậu.