18/01/2025 | 19:57 GMT+7, Hà Nội

Quản lý bền vững rừng phòng hộ: Thực trạng khó khăn, còn nhiều bất cập

Cập nhật lúc: 05/12/2020, 16:20

Việc quản lý bảo vệ rừng trên thực tế cho thấy các Ban quản lý và chủ rừng phòng hộ đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động và quản lý bền vững diện tích rừng được giao.

Chương VII của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định về việc ứng phó với biển đổi khí hậu. Mục Thích ứng với biến đổi khí hậu ghi rõ: Thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tận dụng những cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Rừng phòng hộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên, đảm bảo an ninh môi trường quốc gia, đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương và đời sống cộng đồng sống gần rừng.

Quản lý bền vững rừng phòng hộ: Thực trạng khó khăn, còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, việc quản lý bảo vệ rừng trên thực tế cho thấy các Ban quản lý và chủ rừng phòng hộ đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động và quản lý bền vững diện tích rừng được giao.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển nhưng quá trình thực thi còn bộc lộ nhiều bất cập cần giải quyết.

Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ, bao gồm 3,84 triệu ha rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn và các loại hình khác như: rừng chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng ven biển, rừng bảo vệ môi trường. Đa số diện tích rừng phòng hộ do 231 Ban quản lý thuộc các cấp khác nhau quản lý. Bên cạnh đó, một phần diện tích nhỏ hơn với khoảng trên 330.000ha đang được cộng đồng, các hộ gia đình, lực lượng vũ trang và các bên khác quản lý…

Kết quả đáng ghi nhận

Ông Nguyễn Quốc Dựng (Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Đồng thời, với sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn của các chủ rừng nên công tác quản lý rừng nói chung, rừng phòng hộ nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận-nâng cao độ che phủ rừng, chất lượng rừng; góp phần tạo sinh kế; nâng cao đời sống người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống…

Có tới 85% các Ban quản lý rừng phòng hộ đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt và phân loại mức độ tự chủ; 100% Ban quản lý đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ. Bình quân mỗi năm các Ban quản lý rừng đã giao khoán bảo vệ 402.490 ha rừng (rừng đặc dụng là 178.513 ha, rừng phòng hộ là 223.977 ha) cho cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình; trồng mới 10.883 ha (rừng đặc dụng 1.300 ha, rừng phòng hộ 9.583 ha).

Ngoài ra, các Ban quản lý rừng phòng hộ đã củng cố, kiện toàn hệ thống các Trạm bảo vệ rừng, các tổ tuần tra rừng; đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng rừng mới và bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên (số vụ vi phạm về rừng giảm, diện tích rừng tăng); huy động nguồn nhân lực lớn (hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản) tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả” (Chi trả dịch vụ môi trường rừng).

Còn tồn tại nhiều vướng mắc

Theo đánh giá của đại điện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý rừng phòng hộ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, xu hướng suy thoái đa dạng sinh học do nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn còn xảy ra; kinh tế phát triển, dân số tăng cao tạo áp lực về đất ở, đất sản xuất dẫn đến tình trạng xâm lấn đất rừng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầu tư cho các Ban quản lý rừng còn thiếu và yếu; chính sách đầu tư bảo vệ rừng đối với hệ thống rừng phòng hộ còn một số bất cập chưa tương xứng với mục tiêu và nhiệm vụ…

Theo Tiến sỹ Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Đắk Lắk, hiện Việt Nam chưa có quy hoạch hệ thống rừng phòng hộ (Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng đến năm 2020, tầm nhìn 2030). Mô hình tổ chức bộ máy quản lý các Ban quản lý rừng phòng hộ cũng chưa thống nhất (đồng thời trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân huyện, Phòng kinh tế Ủy ban nhân dân huyện; Chi cục kiểm lâm hoặc Hạt kiểm lâm).

Nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung chưa thành lập các Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển. Cùng với đó là sự hạn chế về số lượng cũng như sự đãi ngộ đối với nguồn nhân lực của các Ban quản lý rừng, đối với việc tổ chức triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ranh giới rừng).

Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học và áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn ít; thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá về chất lượng rừng, tính đa dạng của hệ sinh thái rừng. Đồng thời, sự tích cực, chủ động của các Ban quản lý rừng phòng hộ và cộng đồng dân cư chưa được phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Điều đặc biệt hạn chế là nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, 70% các Ban quản lý rừng phòng hộ có khó khăn trong thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hóa, Ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chủ yếu trong đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Tiến sỹ Trần Ngọc Thanh, nguyên nhân là do nhận thức về vị trí, vai trò của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng từ phía các cấp, các ngành chưa đầy đủ. Nhận thức về giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng đối với công cuộc phát triển bền vững đất nước của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng dân cư còn hạn chế.

Cơ chế quản lý tài chính theo kiểu bao cấp vẫn ảnh hưởng nặng nề trong tư duy, nhận thức của hệ thống quản lý rừng, nhất là các Ban quản lý rừng phòng hộ. Vẫn đang thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp ở Trung ương, địa phương trong chỉ đạo, điều hành, lồng ghép thực hiện các chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tổ chức triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các Ban quản lý rừng phòng hộ. Các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách còn thiếu, chưa thống nhất.

Các tính chất đặc thù của hệ thống rừng phòng hộ (vị trí, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội,..) chưa được phản ánh đầy đủ trong các cơ chế, chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.