22/11/2024 | 13:42 GMT+7, Hà Nội

Thu phí tự động không dừng: Vẫn cần giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư

Cập nhật lúc: 28/10/2020, 10:10

Thủ tướng vừa có yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/12/2020 các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn những vướng mắc đang cần có giải pháp tháo gỡ cho một số nhà đầu tư.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng (ETC). Trạm nào không thực hiện ETC đúng thời hạn sẽ bị xem xét tạm dừng thu phí.

Được biết, tới thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đều cơ bản thống nhất cao và đã ký Phụ lục hợp đồng trực tiếp với Bộ GTVT để triển khai thực hiện thu phí không dừng ETC tại các trạm thu phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chủ trương tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng.

Cần giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư khi thực hiện thu phí tự động. Ảnh: Hoàng Dương

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc hiện chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, Bộ GTVT đã tổng hợp những vướng mắc chủ yếu trong đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2. Trong đó có những lý do chính như, các nhà đầu tư BOT yêu cầu ký phụ lục hợp đồng trực tiếp với Bộ GTVT chứ không phải các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí không dừng do Bộ GTVT chỉ định; nhà đầu tư BOT yêu cầu Bộ GTVT cùng có trách nhiệm làm việc với các tổ chức tín dụng tài trợ vốn để có thống nhất mới đủ cơ sở bàn giao trạm thu phí và nguồn thu cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động ko dừng; tỷ lệ trích phí dịch vụ thu phí và tổng các chi phí vận hành trạm không được vượt mức chi phí phê duyệt trong phương án tài chính dự án BOT; Bộ GTVT cần xây dựng định mức phân bổ chi phí cũng như phương thức quản lý và vận hành trạm thu phí khi có cả 2 bên tham gia tại trạm (một bên chỉ đơn thuần cung cấp giải pháp công nghệ  thu phí tự động và một bên là chủ sở hữu dự án quản lý nguồn thu và duy trì vận hành trạm)…

Ngoài ra là các ý kiến về ứng xử với các trạm thu phí doanh thu âm do không đủ chi phí để quản lý vận hành, trả lương duy trì bộ máy.

Những đề xuất của nhà đầu tư BOT hoàn toàn có cơ sở bởi trên thực tế, phần lớn các trạm thu phí hiện nay là sở hữu của nhà nước khoảng trên 20% và gần 80% số lượng các trạm còn lại của các nhà đầu tư BOT, các trạm này được nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thế chấp tài sản và nguồn thu để vay vốn ngân hàng thực hiện dự án. Do đó, bất cứ một thương thảo nào liên quan đến doanh thu, ảnh hưởng đến lộ trình thu hồi vốn cũng cần phải thương thảo với ngân hàng và mức phí bổ sung theo phụ lục hợp đồng cũng phải được ngân hàng thống nhất, tránh phá vỡ cam kết theo hợp đồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính pháp lý cũng như quan hệ tín dụng của nhà đầu tư với ngân hàng trong bối cảnh phương án tài chính bị phá vỡ, không đảm bảo doanh thu do các nguyên nhân khách quan như không được tăng phí trong bối cảnh sụt giảm doanh thu bởi kinh tế suy giảm, phân lưu lưu lượng, áp dụng chính sách miễn giảm, các cam kết về vốn và vướng mắc tại các trạm…của một số dự án chưa được các bên có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ giải quyết, dẫn đến thực trạng nguồn thu hàng ngày của một số trạm không đủ chi phí vận hành, duy trì bộ máy chưa nói đến việc bảo trì, trung tu hay trả nợ ngân hàng.

Chính vì vậy, đó, không ít nhà đầu tư mong muốn sớm được bàn giao luôn trạm cho Bộ GTVT để tổ chức quản lý minh bạch và đồng hành trách nhiệm trong việc tháo gỡ các tồn tại vướng mắc hiện nay.

Về phương án nhà đầu tư BOT phải trích 5 - 7% doanh thu cho nhà cung cấp ETC, nhiều nhà đầu tư cho rằng thiếu cơ sở khi bản chất và mục tiêu của các dự án là khác nhau, không thể để việc hoàn vốn cho các dự án phụ phát sinh sau “ký sinh” và đè nặng áp lực lên vai nhà đầu tư BOT khi bản thân các dự án này cũng đang rất khó khăn do các nguyên nhân khách quan mà đến nay vẫn chưa có đường hướng để tháo gỡ giải quyết.

Không ít nhà đầu tư mong muốn sớm được bàn giao luôn trạm cho Bộ GTVT để tổ chức quản lý minh bạch và đồng hành trách nhiệm trong việc tháo gỡ các tồn tại vướng mắc hiện nay. Ảnh: Hoàng Dương

Trao đổi với PV Nhà báo và Công luận, một chủ đầu tư phân tích, việc trích 5-7% cho nhà cung cấp ETC thiếu cơ sở và vô lý ở chỗ quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm như nhau nhưng khi ký hợp đồng với mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ (BOO1& BOO2) lại quy định một mức phí khác nhau; có nhà cung cấp dịch vụ đàm phán mức phí theo thị trường với đơn vị sử dụng (khoảng 2-3% doanh thu trước thuế) nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu mức (5-7% doanh thu sau thuế) với lý do mức phí được ký hợp đồng triển khai dịch vụ với Bộ GTVT tại các trạm là như vậy.

Ngoài ra, cùng một đầu mối quản lý và nội dung triển khai, thì có nhà cung cấp dịch vụ ETC cho các nhà đầu tư BOT được lựa chọn hình thức thực hiện là có thể chủ động xây dựng hệ thống Front-End và chỉ cần thuê kết nối Back-End; có nhà cung cấp dịch vụ ETC thì yêu cầu phải bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí để quản lý vận hành trong khi nó thuộc quyền của nhà đầu tư BOT… Vì thế trong trường hợp Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư BOT phải ký hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ cụ thể được chỉ định thì dẫn đến các vướng mắc không thể thống nhất được trong khi nhà đầu tư BOT có toàn quyền chào mức phí thấp hơn để lựa chọn nhà cung cấp.

Cập nhật thực hiện thu phí tự động không dừng

Hai dự án ETC giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Bộ GTVT đều thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO.

Giai đoạn 1: 44 trạm

Công ty TNHH thu phí tự động VETC cung cấp dịch vụ ETC

-26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

-18 trạm trên các tuyến cao tốc, các quốc lộ khác.

Hiện:+Đã có 40 trạm thực hiện thu phí tự động không dừng

+1 trạm đang thực hiện

+3 trạm còn vướng mắc, gồm các tuyến: Nội Bài - Lào Cai; Tuyến Đà Nẵng- Quảng Ngãi; Tuyến TP.HCM-Long Thành Dầu Giây

Giai đoạn 2: 33 trạm

Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam thực hiện

-10 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

-23 trạm trên các tuyến cao tốc, các quốc lộ khác

Ngoài ra, có 19 trạm thu phí trên quốc lộ và 2 tuyến cao tốc do 14 địa phương quản lý sẽ tham gia vào dự án ETC do Bộ GRVT thực hiện hoặc địa phương tự đầu tư ETC.