22/11/2024 | 04:29 GMT+7, Hà Nội

Thiếu ý thức trong phòng, chống dịch Covid-19: Khuyến cáo thôi... chưa đủ

Cập nhật lúc: 27/03/2020, 14:03

Thời điểm hiện nay, khi cả nước đang bước vào giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” trong phòng chống dịch Covid-19. Nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều người chưa thực sự ý thức, không hợp tác hay chống đối với các biện pháp...

Thời điểm hiện nay, khi cả nước đang bước vào giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” trong phòng chống dịch Covid-19. Nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều người chưa thực sự ý thức, không hợp tác hay chống đối với các biện pháp phòng dịch. Dư luận cho rằng, có lẽ không nên chỉ dừng ở khuyến cáo, tuyên truyền, đã đến lúc áp dụng các biện pháp xử lý thật nghiêm khắc để răn đe.

Cửa hàng cafe trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) vẫn mở cửa vào sáng 26/3.

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, để đối phó với dịch, cả hệ thống chính trị và mọi người dân đã vào cuộc. Hàng loạt biện pháp được triển khai, nhiều chỉ đạo, quyết định mạnh mẽ được đưa ra để ngăn ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Trong đó, việc tổ chức sàng lọc, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh được đặt lên hàng đầu. Những khuyến cáo, tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng cũng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân.

Tuy nhiên, đáng tiếc vẫn có một số ít người phản ứng, bất hợp tác, thậm chí chống đối ở mức độ nhất định như trốn cách ly, khai báo y tế không trung thực hoặc vẫn cố tình tụ tập đông người không đeo khẩu trang. Những hành động, việc làm vô ý thức đó hoàn toàn có thể gây khó khăn cho lực lượng chức năng, thách thức tới an nguy của cộng đồng khiến dịch bệnh khó bề kiểm soát. Đặc biệt, thực tế đã có trường hợp không ý thức cách ly, khai báo không trung thực mà làm dịch bệnh lây lan rộng, khiến hàng chục người khác nhiễm bệnh và hàng trăm người khác bị ảnh hưởng bởi phải cách ly để phòng chống dịch.

Trước thái độ, hành vi thiếu tinh thần hợp tác, ý thức công dân cũng như trách nhiệm với xã hội trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh của một số cá nhân ấy, nhiều ý kiến đồng tình rằng “vi phạm pháp luật, phải xử lý theo pháp luật”. Nhìn ra các nước, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cũng đang áp dụng biện pháp xử lý mạnh đối với bất kỳ ai trốn cách ly, từ phạt hành chính cho đến án tù. Như khi đặt lệnh phong tỏa, giới nghiêm, nếu người dân Ý vi phạm khi ra khỏi nhà sẽ bị phạt khoảng 227 USD hoặc ngồi tù 3 tháng. Tại Ấn Độ, chính quyền bang Telangana tuyên bố phạt tù ít nhất 6 tháng đối với người trốn cách ly tập trung lẫn tại gia. Chính quyền Thủ đô Moscow của Nga cũng tuyên bố sẽ phạt tù tới 5 năm đối với bất kỳ ai không tự cách ly tại nhà trong 2 tuần sau chuyến đi đến những vùng dịch. New Zealand cũng cảnh báo bất kỳ du khách nào không tuân theo các quy tắc tự cách ly khi đến nơi đều có thể bị phạt hoặc thậm chí bị trục xuất…

Chúng ta đang phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Trong bối cảnh đó, cùng với việc khuyến cáo, kêu gọi mỗi người dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ mình và cả bảo vệ người xung quanh, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định cách ly, khai báo y tế hay các biện pháp phòng dịch khác là điều rất nên làm.

Hiện một số địa phương đã đề xuất quy chế cưỡng chế thực hiện cách ly đối với các trường hợp có nguy cơ nhiễm; tham mưu hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra công cộng…. Nhiều quy định trong các Luật hiện hành cũng đã có đủ khung hình phạt hành chính hay phạt tù nghiêm khắc đối với các hành vi cụ thể để có thể dẫn chiếu, áp dụng. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của mỗi người, nhưng khi mọi tuyên truyền, khuyến cáo đều không có tác dụng, việc xử lý nghiêm minh bằng các biện pháp khác đủ mạnh, vừa để răn đe, vừa làm gương cho người khác,chắc chắn sẽ được dư luận đồng tình, ủng hộ.