19/01/2025 | 07:26 GMT+7, Hà Nội

Thiết kế đô thị: Vì sao thành phố chúng ta chưa đẹp?

Cập nhật lúc: 08/07/2019, 20:01

Để hướng đến một đô thị bền vững, đáng sống, bên cạnh chính sách quy hoạch hoàn hảo thì yếu tố thiết kế đô thị cần phải được chú trọng. Song, đây vẫn luôn là vấn đề nan giải nhiều năm qua.

Như Reatimes đã phản ánh ở bài viết "Không có thiết kế đô thị: Bộ mặt thành phố lem nhem, vô hồn", cùng sự phát triển của đất nước và tốc độ đô thị hóa, số lượng đô thị và các dự án cải tạo hay phát triển mới ngày càng gia tăng, vấn đề thiết kế đô thị là một trong những yếu tố cốt lõi làm giàu thêm không gian sống của cư dân đô thị. Đồng thời tạo diện mạo một đô thị đáng sống, nhiều màu sắc; phù hợp với không gian, đặc thù về địa lý cũng như khí hậu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, thiết kế đô thị ở Việt Nam vẫn còn mờ nhạt chưa phát huy hiệu quả.

Thiết kế đô thị chưa được coi trọng

Trong quá trình xây dựng đổi mới đất nước, công cuộc xây dựng đô thị đã phát triển theo tốc độ nhanh chóng, quy mô rộng lớn và khá toàn diện trên hầu hết mọi khía cạnh không gian của đô thị. Với sự nỗ lực của chính quyền, các nhà quy hoạch, phải khẳng định rằng đất nước đã có sự “thay da đổi thịt” rõ nét. Nhưng nếu xét trên khía cạnh cảm nhận, trải nghiệm thì liệu các đô thị của Việt Nam đã phải là đô thị đáng sống hay chưa?

Thiết kế đô thị chưa được coi trọng dẫn đến bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn. (Nguồn: Internet)

Thiết kế đô thị chưa được coi trọng dẫn đến bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn. (Nguồn: Internet)

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thiết kế đô thị ở Việt Nam chưa có hiệu quả, KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đã nghiên cứu thiết kế đô thị gần 20 năm nay, nhưng trên thực tế chưa có thiết kế tuyến phố nào được công khai. Tức các nhà quản lý đô thị chưa áp dụng thiết kế đô thị thành một công cụ quản lý dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề như vỉa hè bị lấn chiếm, nhà xây không theo trật tự, biển quảng cáo lộn xộn, thậm chí xảy ra không ít kiện tụng liên quan đến vấn đề này”.

Đồng quan điểm với KTS. Phạm Thanh Tùng, TS.KTS Phạm Anh Tuấn, chuyên gia cảnh quan đô thị cho rằng: “Nội dung của thiết kế đô thị còn nhiều hạn chế dẫn đến việc chưa phát triển được không gian công cộng. Một phần do chịu nhiều tác động của các yếu tố khách quan. Bên cạnh đó, công tác quản lý trật tự đô thị chưa tốt nên khó có thể tạo được môi trường sống tốt cho cư dân đô thị. Mặt khác, thiết kế đô thị ở Việt Nam cũng chưa được hiểu theo cách thống nhất cũng như chưa có những quy định cụ thể. Chính vì vậy, các đồ án quy hoạch chưa được triển khai đầy đủ và chưa nhìn thấy được hiệu quả của thiết kế đô thị”

Còn theo KTS. Nguyễn Tiến Thuận, vấn đề thi công thiết kế đô thị ở nước ta chưa thực sự chuyên nghiệp: “Không ở đâu hình ảnh đô thị lại giống như ở đất nước chúng ta. Sản phẩm đô thị đang là kết quả của nơi gặp gỡ giữa tư duy của những tư vấn nghiệp dư được thực hiện bởi bàn tay của những nhà thầu chưa chuyên nghiệp. Đa số các nhà thầu còn quan niệm quá dễ dãi, họ cho rằng, những tiểu kiến trúc trên các đường phố là những công việc nhỏ, đơn giản. Chính vì quan niệm thiếu trách nhiệm như vậy nên hầu như chúng ta không có những cơ sở đào tạo tay nghề chuyên sâu cho các loại hình công việc xây dựng trên các hè phố. Tuy chỉ là những bó vỉa bờ hè đường phố, là những viền bờ hàng cây, bồn hoa, bậc cấp, đường dốc lên xuống… tất cả đều tưởng chừng như đơn giản, nhưng không hề dễ chút nào”.

Chưa kể, tình trạng đường phố mới hoàn thiện xong, một thời gian sau lại bị đào bới để bổ sung, chỉnh trang, nâng cấp một hệ thống kỹ thuật hạ tầng nào đó đang diễn ra rất phổ biến. Đây là những việc làm tùy tiện, gây rất nhiều trở ngại cho cư dân đô thị. Đó là chưa kể những đợt làm sau không bao giờ có ý thức hoàn trả lại hè, đường phố như hình ảnh ban đầu của nó. Kết quả là những hè đường phố chắp vá, không nhất quán dẫn đến xập xệ, hư hỏng, bong lở, chất liệu hàn gắn tùy tiện.

Cũng theo KTS. Nguyễn Tiến Thuận, ý thức của người dân đô thị cũng là một trong những nguyên nhân khiến bộ mặt đô thị trở nên nhem nhuốc, thiết kế đô thị không được thực thi hiệu quả: “Hè đường phố vừa mới hoàn thiện xong, chỉ vài ba ngày sau, trước cửa các ngôi nhà mặt phố đã xuất hiện hàng loạt các mặt vát nghiêng nối từ mặt đường lên hè đủ kiểu cách khác nhau, tùy tiện tạo dựng để dễ dàng cho xe lên xuống. Không những vậy, trên các hè phố, sự lủng củng cao thấp, thò thụt của các bậc cấp lên xuống trước cửa các nhà dân mặt phố cũng cho thấy sự thiếu quản lý, thiếu thẩm mỹ một cách tệ hại. Điều này ở phố cổ trước đây thời Pháp thuộc không có, còn nay phổ biến ở các khu phố mới. Nguyên nhân do khi cấp phép xây dựng đã không quản lý tốt về cốt nền đô thị, các nhà dân tự ý xác định nền nhà của mình, đề phòng Nhà nước làm đường nâng cốt, những dự phòng khác nhau của người dân đã dẫn đến thảm cảnh này”.

Các chuyên gia đánh giá, với sự đầu tư không ngần ngại của thành phố cho công tác chỉnh trang bộ mặt đô thị những năm qua, thì chúng ta thừa sức để có những tuyến phố đẹp, những công trình công cộng mang dấu ấn riêng. Tuy nhiên tồn tại thực tế lại cho thấy yếu tố thiết kế đô thị bị xem nhẹ, trong khi công tác quản lý đô thị lỏng lẻo, do đó phố phường có lộn xộn, nhem nhuốc, và phần lớn chúng ta đều chưa thấy thành phố mình “đẹp” cũng là điều đương nhiên.

Trách nhiệm của người trong cuộc

Trong Thông tư “Hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị – số 06/2013/TT-BXD – ngày 13/5/2013” của Bộ Xây Dựng đã đặt ra những “yêu cầu chung về thiết kế đô thị”, “thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung”, “thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết” đến “thiết kế đô thị trong đồ án thiết kế đô thị riêng”. Đây là một thông tư với những nội dung hướng dẫn rất mở, không có gì là ràng buộc, làm khó cho các nhà chuyên môn. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của những người trong cuộc.

Thiết kế đô thị 1/500

Một thiết kế đô thị 1/500

"Chúng ta đều biết rằng, thiết kế đô thị là một lĩnh vực động và linh hoạt, nó không giống như thiết kế cơ khí hay những hạng mục công trình xây dựng để có thể dễ dàng chuẩn hóa. Nó rất đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào từng nơi chốn với những không gian cụ thể và tại các vùng miền khác nhau.

Trong quy hoạch xây dựng nói chung, không riêng gì ở Việt Nam mà ở đâu cũng vậy, đều phải trải qua các giai đoạn, các bước thiết kế, từ tổng thể đến chi tiết, từ định hướng đến cụ thể hóa. Với chuỗi hệ thống các bước công việc này sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là chất lượng của thiết kế đô thị. Chính vì vậy, các bước đều cần được đầu tư chuyên môn một cách thỏa đáng” - KTS. Nguyễn Tiến Thuận nhận định.

Trên thực tế ở Việt Nam, bộ mặt đô thị xấu xí là minh chứng cho thấy sự thiếu kinh nghiệm của các nhà chuyên môn. Do đó, theo các chuyên gia, đầu tư thích đáng về nhân lực cho thiết kế đô thị là rất cần thiết và phải là người có tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cao. Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho quá trình tư vấn thiết kế, công tác quản lý, thẩm tra phê duyệt và điều hành triển khai thực hiện dự án đến việc xây dựng thi công của các nhà thầu, tất cả đều phải được nghiêm túc thực hiện trong một khung pháp lý đầy đủ, chặt chẽ và chuyên nghiệp.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, sau khi có thiết kế đô thị, quá trình hiện thực hóa và duy trì thiết kế đó trong thực tế cần phải có sự tham gia của công tác quản lý đô thị: Nếu như một quận, một tuyến phố nào đó có thiết kế đô thị được công bố công khai, dân chủ và minh bạch để người dân hiểu rằng nhà trong khu vực này được xây cao bao nhiêu mét, nơi kia được xây không quá bao nhiêu tầng, thì công việc cấp phép xây dựng sẽ đơn giản biết bao nhiêu. Có thiết kế đô thị, thì kiến trúc đô thị sẽ không còn bị tạp nham bởi những thứ kiến trúc lai căng, hổ lốn, nhại cổ, phi bản sắc.

Thiết kế đô thị đạt hiệu quả sẽ tạo diện mạo mới mẻ cho đô thị, nhịp điệu kiến trúc và bản sắc riêng cho thành phố. (Ảnh minh họa)

Thiết kế đô thị đạt hiệu quả sẽ tạo diện mạo mới mẻ cho đô thị, nhịp điệu kiến trúc và bản sắc riêng cho thành phố. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, việc đầu tư thích đáng cho thiết kế đô thị là hoàn toàn hợp lý. Cảnh quan được thiết kế ra không chỉ là sự tiện lợi mà đó còn là công trình nghệ thuật, đáp ứng được yếu tố “đẹp”, đồng thời phù hợp với đặc trưng của mỗi đô thị. Một đô thị đẹp, đáng sống phải là một đô thị được thiết kế nhằm phát triển mạnh đời sống cộng đồng cũng như cá nhân, xây dựng một thành phố thân thiện với người dân, tạo ra trải nghiệm một cách tối đa. Hơn hết là phục vụ chính những cư dân đô thị, sau đó sẽ trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước, thu hút khách du lịch./.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/thiet-ke-do-thi-vi-sao-thanh-pho-chung-ta-chua-dep-37400.html