19/01/2025 | 02:32 GMT+7, Hà Nội

Thị trường việc làm sau dịch: Đòi hỏi nhiều lao động có kỹ năng

Cập nhật lúc: 14/05/2020, 13:55

Xu hướng nhiều DN thực hiện tự động hóa, yêu cầu người lao động (NLĐ) phải nâng cao kỹ năng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện những nghề mới...

Xu hướng nhiều DN thực hiện tự động hóa, yêu cầu người lao động (NLĐ) phải nâng cao kỹ năng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện những nghề mới buộc phải thực hiện đào tạo, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ.

Tự động hóa trở thành xu hướng

Vừa qua, có tới 80% DN bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, bức tranh DN đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 50% DN khẳng định vẫn tiếp tục duy trì được quy mô sản xuất trong quý III/2020; 22% DN tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh... Điều này cho thấy các DN có sức chống chịu rất cao, kiên cường vượt qua dịch bệnh.

 Đào tạo nghề cho sinh viên tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Khảo sát mới đây của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có tới 75% DN quan tâm đến tự động hóa; 10% DN đã thực hiện tự động hóa và 3 năm nữa sẽ tăng tới 1/4 đến 1/3 số DN. Bởi chiến tranh thương mại, xung đột, dịch bệnh càng thúc đẩy xu hướng tự động hóa để giảm thiểu tác động tiêu cực. “Đây là thách thức đối với NLĐ thiếu kỹ năng và tạo ra cơ hội cho NLĐ có kỹ năng. Nâng cao kỹ năng của NLĐ trở thành trung tâm trong chính sách của chúng ta trong thời gian tới” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Để tái khởi động nền kinh tế cũng như đón được cơ hội chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, rất cần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đội ngũ NLĐ có tay nghề cao. Tổ chức Lao động Quốc tế đã khuyến cáo, để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ để tăng năng suất lao động. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động và cấp chứng chỉ.

Doanh nghiệp - chủ thể tham gia đào tạo

Theo Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Nguyễn Chí Trường, 3 vấn đề nâng tầm kỹ năng nghề trước nay chưa có: Nghề mới, ví dụ khám bệnh từ xa qua app; chuẩn bị những kỹ năng cho NLĐ sử dụng công nghệ chưa được phát minh; nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao đáp ứng tự động hóa, cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, quá trình đào tạo nghề còn chậm, các DN chưa tham gia nhiều, đầu tư cho trường nghề chủ yếu là Nhà nước.

Trong khi có 2 vấn đề cần phải giải quyết là lực lượng ở khu vực nông thôn bước vào tuổi lao động và số người được dự báo sẽ dôi dư ra khỏi các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Do đó, nhu cầu đào tạo nghề trong thời gian tới rất lớn. “Muốn thành công phải đẩy mạnh xã hội hóa GDNN, làm sao cả 3 - 4 nhà cùng vào cuộc. DN là chủ thể tham gia với tư cách nhà đầu tư đặt hàng, xây dựng chương trình, trực tiếp đào tạo nghề, kiểm tra cấp bằng và sử dụng lao động” – ông Trường nhấn mạnh.

Về phía Tổng cục GDNN cũng đã yêu cầu các cơ sở GDNN đẩy mạnh gắn kết, đa dạng các hình thức hợp tác với DN, ký hợp đồng liên kết đào tạo, đặt hàng... Về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy cho biết: “Thời gian qua, nhiều DN đã tìm đến nhà trường, chúng tôi cũng có phương án xây dựng mạng lưới DN. Hiện trường đang ký hợp đồng hợp tác với 2 DN về công nghệ ô tô và cơ điện, thực hiện đào tạo 15 tháng tại trường và 15 tháng thực tập tại DN. Khi sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn được DN tuyển dụng vào làm việc ngay”.

Cùng với sự cố gắng của nhà trường, DN, người học, rất cần đẩy mạnh xã hội hóa GDNN. Về việc này, Tổng cục GDNN đã tham gia sửa đổi các nghị định, quy định về GDNN, phát triển kỹ năng nghề với mục tiêu cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, thu hút DN tham gia đào tạo. Chỉ khi nào DN tham gia vào các khâu, chuỗi giá trị, hy vọng mới tạo ra sự đột phá trong hệ thống GDNN.